Tỉnh Sơn La triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam
(sonla.gov.vn) Thực hiện nhiệm vụ Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, 2 năm qua trên địa bàn tỉnh Sơn La công tác quản lý bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, độ che phủ rừng tăng ổn định qua các năm, giá trị ngành lâm nghiệp tăng; công tác phát triển vốn rừng tập trung chỉ đạo theo định hướng các chương trình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh bước đầu hình thành một số sản phẩm lâm sản đặc thù, đóng góp nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; hệ thống tổ chức bộ máy, các quy định của pháp luật và cơ chế chính sách về phát triển lâm nghiệp được hoàn thiện, trong đó đặc biệt cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng được tỉnh Sơn La chú trọng thực hiện.
Để triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1133/QĐ-UBND ngày 03/6/2021 về phê duyệt Đề án phát triển Lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành các văn bản, Kế hoạch chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1133/QĐ-UBND ngày 03/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ động thực hiện lồng ghép thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam và Đề án phát triển Lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh trong quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương giai đoạn 2021 - 2030. Nghiên cứu cụ thể hóa, ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn tỉnh,...
Sau 2 năm triển khai, tổng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh) cuối năm 2022 ước đạt 8.364,43 tỷ đồng tăng 2,23% so với cùng kỳ 2 năm trước, đóng góp 0,58 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó ngành lâm nghiệp tăng 5,10%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm. Diện tích rừng quản lý bảo vệ được nâng từ 654.584,3 ha năm 2021 lên 666.887,7 năm 2022. Tương ứng độ che phủ được nâng từ 46,4% (năm 2021) lên 47,3% (năm 2022). Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 ước đạt 47,5%. Trồng rừng trồng tập trung được 5.646,9 ha, trong đó: trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 1.299,3 ha và trồng rừng sản xuất 4.347,6 ha. Trồng cây phân tán được 1.207 nghìn cây các loại. Khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng là 6.247,1 ha. Tổng sản lượng gỗ khai thác đạt 70.348 m3. Bên cạnh đó trong thời gian qua tỉnh Sơn La đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, một số doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ như: Doanh nghiệp chế biến gỗ khu công nghiệp Tà Xa (huyện Mai Sơn), Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao (Tập đoàn TH), Công ty cổ phần Liên Việt đầu tư,… Trong 02 năm 2021, năm 2022 tỉnh đã thu dịch vụ môi trường rừng trên 641.200 triệu đồng và số tiền chi trả cho bên cung ứng là trên 335.714 triệu đồng.
Thực hiện định hướng phát triển theo Chiến lược, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 536/QĐ-TTg ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung chỉ đạo rà soát xác định quy mô diện tích 3 loại rừng và các chỉ tiêu quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện rà soát cấp giấy chứng nhận; chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; sau rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tham mưu đề xuất tổ chức thực hiện việc đóng mốc ranh giới 3 loại rừng. Chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp và công bố hiện trạng rừng tỉnh Sơn La năm 2021, năm 2022; khảo sát, đánh giá các diện tích rừng và đất lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả để tiến hành thu hồi, giao lại cho các nhà đầu tư vào phát triển lâm nghiệp tại địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện quy trình, trình tự thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt một số chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy đổi mới công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh theo hướng gắn với chuỗi giá trị lâm nghiệp từ trồng tới chế biến, tiêu thụ lâm sản, phát triển cây đa mục đích trên đất lâm nghiệp, tham mưu xác định được một số loài cây lâm nghiệp đa mục tiêu bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế như: Sơn Tra; Mắc ca, dược liệu là lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng... có điều kiện phát triển. Tiếp tục xây dựng, phê duyệt và triển khai các dự án dự kiến khởi công mới kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố đề xuất thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo đúng phạm vi, đối tượng của Chương trình và Tiểu dự án 1, dự án 3 đảm bảo không trùng lặp với các hoạt động, kinh phí đã được bố trí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình, dự án khác.
Lê Hồng