Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Nông nghiệp
(sonla.gov.vn) Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Phát triển nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, từ năm 2022 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác, Công ty TNHH Sorimachi tổ chức các lớp tập huấn online qua ứng dụng Zoom cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sử dụng các phần mềm chuyển đổi số. Hiện đã có 04 hợp tác xã (HTX) tham gia sử dụng phần mềm nhật ký sản xuất Facefarm và Kế toán Waca; 02 HTX tham gia sử dụng phần mềm chuyển đổi số cho nông nghiệp điển hình (nhóm Coop.66); 05 HTX tham gia sử dụng phần mềm theo dõi và phản hồi thông tin chính sách HTX nông nghiệp. Phần mềm cập nhật diễn biến rừng (FRMS) được đưa vào sử dụng và cấp 13 tài khoản sử dụng, đăng nhập vào phần mềm, thu thập số liệu, cập nhật và báo cáo diễn biến rừng và đất lâm nghiệp phục vụ công tác công bố hiện trạng rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp, cung cấp thông tin định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm trên các nền tảng Cơ sở dữ liệu chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thường xuyên, nghiêm túc như: Cơ sở dữ liệu giám sát đánh giá phục vụ công tác quản lý ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giamsatdanhgia.mard.gov.vn); hệ thống quản lý dữ liệu thống kê (thongke.mard.gov.vn); hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (vahis.vn); hệ thống báo cáo dịch bệnh thủy sản (tytscucthuy.sabi.vn); cơ sở dữ liệu Quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu: Cơ sở dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (msvt-csdg.ppd.gov.vn), phần mềm quản lý cơ sở đóng gói (cms.packinghouse.online), phần mềm quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu (farmdiary.online).

Thực hiện Kế hoạch số 105/KH UBND ngày 20/4/2021 về thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030. Đã rà soát đánh giá thực trạng truy xuất nguồn gốc và xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc của 81 sản phẩm OCOP để xây dựng cơ sở dữ liệu. Thiết lập thành công tài khoản sử dụng cho các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP đăng ký tham gia dự án và đang tạo lập các hệ thống mô đun để nhập thông tin dữ liệu phù hợp cho các nhóm sản phẩm có quy trình sản xuất tương tự, các sản phẩm cùng ngành hàng và các sản phẩm đặc thù trên nền tảng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử NBC-TRACE được sử dụng đa nền tảng (web, app mobile); ứng dụng các loại mã GS1 để thuận tiện tương tác và chia sẻ dữ liệu giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng. Đã triển khai hỗ trợ truy xuất nguồn gốc đối với 74 sản phẩm thuộc 51 chủ thể trên địa bàn tỉnh. Bàn giao tem Truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP tham gia dự án, số lượng 1.000 tem/1 sản phẩm OCOP và hướng dẫn chủ thể OCOP sử dụng, quản lý hệ thống Truy xuất nguồn gốc NBC TRACE đối với các sản phẩm OCOP của đơn vị.

anh tin bai

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chuyên đề chuyển đổi số 

trong quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản.

Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thông qua Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngành nông nghiệp đã rà soát, đánh giá các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và thực hiện tuyển chọn được tổ chức, cá nhân tham gia dự án thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với 15 sản phẩm nông sản (14 cơ sở đăng ký sản phẩm tươi, thuộc danh mục sản phẩm từ rau, củ quả tươi, 01 cơ sở đăng ký sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến) tại địa bàn 07 huyện, thành phố, áp dụng 02 hệ thống phần mềm truy xuất riêng biệt để truy xuất nguồn gốc cho 02 nhóm sản phẩm thuộc nông sản (OMFARM) và sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, đóng gói (OMFOOD). Thiết kế và kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc cho 15 sản phẩm của 15 cơ sở trên hệ thống phần mềm tương ứng. Xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc OMFARM hoặc OMFOOD đối với 15 sản phẩm.

Cùng với đó, việc chuyển đổi số trong quản lý mã số vùng trồng cũng đã được triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng trên toàn tỉnh đối với 205 mã số vùng trồng và 11 mã số đóng gói. Trên cơ sở dữ liệu cung cấp đầy đủ thông tin về diện tích, sản sản lượng, thời gian thu hoạch thị trường xuất khẩu của từng mã số vùng trồng. Qua đó đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cung cấp thông tin đầy đủ cho các tổ chức, cá nhân trong xuất khẩu nông sản của tỉnh. Triển khai ứng dụng nhật ký điện tử, đã cấp 195 tài khoản trên phần mềm Farmdiary.online cho các mã số vùng trồng xuất khẩu sử dụng để cập nhật thông tin về tình hình sản xuất và 11 tài khoản trên cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt. Tập huấn về thiết lập quản lý, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt cho thành viên của các tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho trên 170 lượt người tham dự.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đưa vào khai thác hiệu quả các nền tảng số dữ liệu nông nghiệp. Thông qua các nền tảng số để thu thập, cập nhật, cung cấp dữ liệu về nguồn gốc nông sản, tình hình sản xuất nông nghiệp, nông sản tiêu thụ từ các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, từ các nguồn dữ liệu cập nhật của người nông dân trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng. Liên kết và quản lý vùng trồng, chuyển đổi số cả chuỗi nông sản từ nông hộ đến thu gom, chế biến, xuất khẩu.

Lê Hồng

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1