Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào Dân tộc thiểu số khu vực miền núi và biên giới
(Yên Châu) Những năm qua, các cấp, ngành chức năng huyện Yên Châu đã bám sát tình hình thực tế, có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới. Từ đó, đã tạo bước đột phá, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tới từng người dân ở địa bàn biên giới.
Yên Châu là huyện biên giới miền núi, có trên 56 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Huyện có 15 xã, thị trấn, với 5 dân tộc anh em chủ yếu cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số toàn huyện, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn tồn tại một số tập quán, tập tục lạc hậu. Tình trạng truyền đạo, vượt biên trái phép, buôn bán, vận chuyển ma túy vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trước tình hình đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các thành viên trong Hội đồng huyện đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh, huyện, với các nội dung như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật PBGDPL, Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai... Ngoài ra, còn tuyên truyền một số nội dung thời sự về biên giới đất liền và biên giới biển, đảo gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại nhân dân khu vực biên giới; bồi dưỡng, cập nhật bổ sung kiến thức và kỹ năng tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu; vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu
Bà Vì Thị Vinh, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Yên Châu cho biết: Trong năm 2023, UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch, Đề án phối hợp với các cơ quan, đơn vị như UBMTTQ, UBND các xã và đặc biệt là lực lượng vũ trang như BCHQS huyện, Công an huyện, các Đồn Biên phòng đóng quân tại địa bàn phối hợp thực hiện trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Hình thức tuyên truyền pháp luật được các báo cáo viên áp dụng bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, biên soạn các tài liệu, tờ rơi, tờ gấp những nội dung ngắn gọn dễ nhớ, dễ hiểu và đặc biệt là phát huy vai trò của Già làng, Trưởng bản, Người có uy tín để truyên truyền, vận động người dân trên địa bàn.
Huyện cũng duy trì gần 1.000 tủ sách pháp luật; 100% xã đều có tủ sách pháp luật; Từ năm 2022 đến nay, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã tổ chức tuyên truyền 11 hội nghị với 607 lượt người tham gia; các ngành thành viên Hội đồng đã phối hợp lồng ghép tổ chức 191 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 17.819 lượt người với các nội dung tuyên truyền chủ yếu như: giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, ma túy, buôn bán người… ; thường xuyên phát các tin, bài, duy trì chuyên mục “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật” trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, các xã, thị trấn.
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Cùng với đó, huyện thành lập, duy trì 182 tổ hòa giải, với 799 hòa giải viên tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, đã tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết cho đối tượng là người dân tộc thiểu số nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giúp người dân nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng đồng bào DTTS giảm hẳn, các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, nhiều tập tục lạc hậu dần được loại bỏ, an ninh trật tự địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS ổn định, đồng bào ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Bà Vì Thị Vinh, Trưởng Phòng Tư Pháp huyện Yên Châu cho biết: Để thực hiện tốt công tác TTPBGDPL trong thời gian tới, Phòng Tư Pháp huyện sẽ tham mưu cho cấp ủy chính quyền tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường thực cũng như công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị để triển khai, ban hành các Chương trình, Kế hoạch và đặc biệt là tổ chức các hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, tổ chức các hội nghị chuyên đề qua các buổi truyền thông và các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật.
Với những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả của các cấp, ngành chức năng, đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện đã tích cực làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó, nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bài trừ các tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng DTTS.
Hoàng Dương