Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026
(sonla.gov.vn) Trong chương trình kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XV đã tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, dưới sự điều hành của các đồng chí: Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
anh tin bai
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Điều hành phiên chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng những nội dung, vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Đối với các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh trả lời chất vấn, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước HĐND, cử tri và Nhân dân trong tỉnh để làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lò Văn Tiến, Tổ đại biểu huyện Sông Mã chất vấn nội dung: Làm rõ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khả năng hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới.

anh tin bai
Đại biểu Lò Văn Tiến, Tổ đại biểu huyện Sông Mã đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời nội dung này, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quốc tế, trong nước và của tỉnh ổn định, không có biến động lớn; cùng với đó, dự kiến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La được khởi công ngay từ đầu nhiệm kỳ thúc đẩy vốn đầu tư khu vực nhà nước, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 120.000 tỷ đồng.

anh tin bai
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, như: Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 kéo dài; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông... Bên cạnh đó, dự án đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La đến nay chưa được khởi công (dự kiến sẽ khởi công vào tháng 9/2025) làm ảnh hưởng tương đối lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương, trong đó có chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được kế hoạch đề ra. Việc thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, việc triển khai thực hiện một số dự án còn chậm, có những dự án kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Một số văn bản pháp luật vẫn còn tình trạng chồng chéo, không thống nhất, gây khó khăn cho công tác hướng dẫn triển khai thực hiện trong thực tế….

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đã đề ra, trong những tháng cuối năm, cũng như trong năm 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Tập trung thực hiện quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chủ yếu của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh gây phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp; tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số; tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với trách nhiệm của cán bộ, công chức. Xác định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân. Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La; phát triển đô thị thành phố Sơn La; các dự án phát triển các khu đô thị... Tăng cường thu hút đầu tư, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động…

Đại biểu Thào A Sinh, Tổ đại biểu huyện Thuận Châu chất vấn: Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024 đạt rất thấp. Chỉ rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư triển khai thực hiện Chương trình; giải pháp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình trong 6 tháng cuối năm 2024.

anh tin bai
Đại biểu Thào A Sinh, Tổ đại biểu huyện Thuận Châu đặt câu hỏi chất vấn.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trả lời nội dung chất vấn: Trong 6 tháng đầu năm 2024, số kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giải ngân được 37.020 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 5,99% trên tổng số kinh phí thực hiện năm 2024.

Tỷ lệ giải ngân thấp do nhiều nguyên nhân: Chương trình được phê duyệt muộn, có nhiều nội dung, nhiệm vụ mới so với giai đoạn 2016 - 2020 gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Một số cơ chế, chính sách của Trung ương vừa ban hành đã sửa đổi, bổ sung, thay thế. Công tác hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác tham mưu của các sở, ngành. Nguồn vốn chương trình được Trung ương giao chi tiết đến dự án và tiểu dự án thành phần làm mất tính chủ động của tỉnh, gây khó khăn trong sắp xếp, lựa chọn các nội dung nhiệm vụ ưu tiên thực hiện để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong khi đó, một số cơ chế, chính sách, nội dung do tỉnh ban hành còn phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ thời gian thực hiện các dự án, tiểu dự án tại các cấp, các ngành. Công tác tham mưu, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện của các sở, ngành, đơn vị, chủ đầu tư còn chưa kịp thời. Nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp giao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh chậm triển khai thực hiện do chủ trương sáp nhập và chuyển địa điểm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dẫn đến việc phải điều chỉnh nguồn vốn nhiều lần. Về trách nhiệm của các chủ đầu tư triển khai thực hiện Chương trình: Các chủ đầu tư (cấp tỉnh, cấp huyện) còn gặp nhiều lúng túng, chưa kịp thời trong tổ chức triển khai thực hiện dẫn đến nhiều nội dung nhiệm vụ triển khai còn kéo dài, chậm, muộn.

anh tin bai
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời câu hỏi chất vấn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình trong 6 tháng cuối năm 2024: Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác tham mưu trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quản lý, điều hành thực hiện chương trình theo quy định. Tăng cường công tác thông tin báo cáo, nắm bắt tiến độ triển khai và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình phê duyệt dự án, dự toán để tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình năm 2024 theo quy định.

Đại biểu Thào A Só, Trưởng ban Pháp chế của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu huyện Vân Hồ, chất vấn nội dung: Tình hình, kết quả xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong thời gian qua. Những khó khăn, vướng mắc, giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện. Việc xem xét, áp dụng các biện pháp hành chính tại Tòa án nhân dân tác động như thế nào đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

anh tin bai
Đại biểu Thào A Só, Trưởng ban Pháp chế của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu huyện Vân Hồ đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời nội dung này, đồng chí Nguyễn Minh Hải, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, cho biết: Ngay sau khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2022 và Pháp lệnh số 03/2022 được ban hành, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo các TAND cấp huyện triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND bảo đảm có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tính từ ngày 01/02/2023 (thời điểm Pháp lệnh số 03/2022 có hiệu lực thi hành) đến ngày 30/6/2024, TAND cấp huyện đã thụ lý, giải quyết 1.541 hồ sơ đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Kết quả: Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng 15 trường hợp; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc 4 trường hợp; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 1.522 trường hợp. Việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND của các TAND cấp huyện bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật; không có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Trong quá trình triển khai thực tiễn thực hiện các thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Điển hình như: Các quy định, hướng dẫn về việc xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi người lập hồ sơ, giải quyết hồ sơ phải nắm bắt kịp thời, trong khi số lượng hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tăng dần qua các năm, thời hạn giải quyết ngắn để đảm bảo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

anh tin bai
Đồng chí Nguyễn Minh Hải, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh trả lời chất vấn.

Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì phải được quản lý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trung tâm cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 01 cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh và 01 cơ sở vệ tinh tại huyện Sông Mã nên việc quản lý đối với người nghiện ma túy thuộc đối tượng nêu trên trong thời gian chờ lập hồ sơ đề nghị tại các địa bàn không có cơ sở điều trị nghiện ma túy gặp khó khăn.

Theo quy định tại các Điều 99, 101 và 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì người bị đề nghị có quyền đọc hồ sơ và ghi chép thông tin cần thiết trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Quy định nêu trên chưa phù hợp với thực tiễn vì việc quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính gặp nhiều khó khăn, việc quy định thời gian đọc hồ sơ dài dẫn đến người bị đề nghị có thể trốn tránh hoặc bỏ trốn.

Giải pháp trước mắt để nâng cao hiệu quả thực hiện việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND là các TAND cấp huyện tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện quy trình lập hồ sơ đề nghị và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Tăng cường sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện trong thực tiễn, kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên và cấp có thẩm quyền để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành phù hợp với thực tiễn thực hiện.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2022 và Pháp lệnh số 03/2022 là cơ sở pháp lý quan trọng để tòa án các cấp thực hiện việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đúng đối tượng, đúng pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp mang tính cưỡng chế nhà nước, buộc những người có hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự phải chấp hành. Các biện pháp này trong thời gian qua được TAND các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện có hiệu quả, góp phần giảm đáng kể số người nghiện ma túy ở ngoài xã hội; tạo điều kiện cho người nghiện ma túy được hỗ trợ về y tế, tâm lý, phục hồi thể chất, tinh thần, giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội như HIV/AIDS, viêm gan B, C cho cộng đồng; người nghiện ma túy còn được học nghề, sau khi cai nghiện có thể xin việc làm, giảm nguy cơ tái nghiện, hòa nhập cộng đồng, là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống ma túy, kết hợp phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đại biểu Lò Thị Thảo, Tổ đại biểu huyện Quỳnh Nhai, chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Hằng năm, các nghị quyết quy định cụ thể về khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, được trình HĐND tỉnh ban hành khá chậm. Đề nghị đồng chí Giám đốc cho biết lý do Sở Giáo dục và Đào tạo không thực hiện rà soát danh mục theo địa bàn từng xã, từng huyện đảm bảo tính tổng thể, đầy đủ danh mục xã, bản đáp ứng điều kiện về khoảng cách theo quy định tại Nghị định số 116 của Chính phủ để thuận lợi trong quá trình tra cứu và tổ chức thực hiện.

anh tin bai
Đại biểu Lò Thị Thảo, Tổ đại biểu huyện Quỳnh Nhai nêu câu hỏi chất vấn.

Trả lời chất vấn, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Hằng năm, Sở GD&ĐT đã rất tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định cụ thể về khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Việc ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp chuyên đề vào tháng 8 hàng năm gần sát với thời điểm bắt đầu năm học mới là xuất phát, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguyên nhân khách quan, như: Quá trình hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết phải chờ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; chờ Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đổi với các bản sáp nhập theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; mất nhiều thời gian rà soát, tổng hợp số liệu về khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày…

anh tin bai
Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn.

Căn chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tư vấn với sự tham gia các sở, ban, ngành cùng thảo luận, phân tích và thống nhất: Nếu thực hiện rà soát, tổng hợp đầy đủ danh mục xã, bản trên địa bàn toàn tỉnh khi đủ điều kiện về khoảng cách, phù hợp với các quy định hiện hành làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày sẽ không khả thi, bởi không mang lại hiệu quả, trên thực tế do số bản có học sinh đủ điều kiện được hưởng chính sách rất nhỏ so với số thống kê tổng thể toàn tỉnh để đưa vào nghị quyết. Hơn nữa, trên thực tế thường có sự thay đổi danh mục các xã/bản đặc biệt khó khăn (bổ sung, điều chỉnh danh mục xã/bản khó khăn theo tiêu chí quy định; một số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...), sự phát triển thường xuyên về hạ tầng giao thông, nhất là ở khu vực khó khăn (đường giao thông, cầu qua sông, suối được sửa chữa, nâng cấp, làm mới... dẫn đến có sự thay đổi về khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh, kể cả khoảng cách do cách trở) và do Sơn La là tỉnh miền núi, địa bàn nhiều núi cao, nhiều sông, suối nên thiên tai, mưa lũ thường xuyên dẫn đến sạt lở làm cho địa bàn học sinh đang ở bình thường trở nên cách trở dẫn đến học sinh thuộc diện đang được hưởng chính sách có thể trở thành không đủ điều kiện được hưởng chính sách và ngược lại…

Quốc Tuấn

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1