Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 23/3/2023, tại Sơn La, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Quàng Văn Hương, Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; đại diện lãnh đạo, các sở, ban, ngành các tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Hòa Bình.
anh tin bai

Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai là đạo luật phức tạp, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã mở rộng chính sách đất đai nói chung và với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tuy nhiên, do vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những đặc thù, khó khăn hơn các vùng khác về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, việc áp dụng các chính sách có sự khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức (hiểu biết pháp luật), tập quán của các dân tộc thiểu số và khả năng nguồn lực thực hiện chính sách, dẫn đến kết quả thực hiện rất hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của đồng bào; do đó việc xác định nội dung sửa đổi, bổ sung cần phải được xem xét, cân nhắc kỹ.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có 17 nội dung quy định cụ thể hơn về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số. Bao gồm, 4 quy định riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, 4 quy định cho một số đối tượng có dân tộc thiểu số, 9 quy định chung nhưng có nhiều liên quan đến dân tộc thiểu số. Ngoài ra, có 4 nội dung quy định cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

anh tin bai

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nêu thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ổn định đời sống các hộ tái định cư sau khi di chuyển đến nơi ở mới của các dự án; những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất rừng giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; kết quả rà soát đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường giao lại cho địa phương quản lý và giao cho các hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; những vấn đề đặt ra cho công tác xây dựng giá đất ở cấp huyện…

Đại diện tỉnh Sơn La, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tham luận một số vấn đề về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án. Thực tế những năm qua, tỉnh đã có triển khai nhiều dự án có thu hồi đất của đồng bào. Người có đất bị thu hồi, đã được Nhà nước bố trí chỗ ở, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống với phương châm người bị thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, quá trình triển khai, đề nghị xem xét lại cụm từ “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Vì đây là vấn đề mang tính định tính, không có định lượng, rất dễ để người dân lợi dụng gây khó khăn trong quá trình thực hiện khi cho rằng nơi ở mới không bằng nơi ở cũ, không buôn bán, kinh doanh được. Dẫn đến, công tác giải phóng mặt bằng có thể bị kéo dài do không nhận được sự đồng thuận của người dân. Tỉnh Sơn La đề xuất bỏ khoản 2 Điều 89 hoặc phải quy định cụ thể, chi tiết hơn về các tiêu chí. Sơn La cũng kiến nghị Chính phủ quy định rõ về phương thức bồi thường, trong đó có thể quy định về giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi phải so với giá trị quyền sử dụng đất của loại đất khác tại nơi bố trí bồi thường về đất đầu đến. Do có nhiều trường hợp chỉ bị thu hồi với diện tích nhỏ, loại đất nông nghiệp có giá trị quyền sử dụng đất thấp, nếu cũng được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích có giá trị lớn hơn sẽ rất khó thực hiện…

anh tin bai

Đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những ý kiến tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo gắn liền thực tiễn chính sách đất đai khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trên cơ sở các tham luận, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ tổng hợp các nhóm vấn đề, gửi báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…

Như Thuỷ

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1