Phát huy vai trò của công tác Đoàn trong phòng, chống ma tuý
Trong những năm qua, công tác Đoàn tham gia phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp của lực lượng Công an, các ban ngành, đoàn thể các cấp qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

 

Công tác tuyên truyền được chú trọng. Các cấp bộ Đoàn thường xuyên tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh thiếu niên, người dân về các quy định của pháp luật trong phòng, chống ma túy; vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo vệ, tinh thần phát hiện và kịp thời tố giác tội phạm ma túy. Trong đó, chú trọng tới các nhóm đối tượng chưa được tuyên truyền và các nhóm có nguy cơ cao. Giai đoạn 2018-2022 các cấp bộ đoàn đã tổ chức 730 hoạt động triển khai tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy năm 2008 và Quyết định 424/TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020”…

Công tác tuyên truyền được chú trọng

Các cấp bộ Đoàn thường xuyên lồng ghép, đa dạng hóa hình thức triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống ma túy như: Nói chuyện chuyên đề; tổ chức tọa đàm, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; tuyên truyền trực quan trên website, trang mạng xã hội của Đoàn các cấp; cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, các mô hình, giải pháp trong công tác phòng, chống ma tuý. Giai đoạn 2018-2022 đã tổ chức 07 hoạt động nói chuyện chuyên đề, đối thoại về công tác phòng, chống ma túy; 27 cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa; đăng tải hơn 60 lượt tin bài tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Xây dựng và ban hành bộ công cụ tuyên truyền cảnh báo tác hại của ma túy và xu hướng sử dụng các loại ma túy mới đối với thanh thiếu niên, bộ công cụ hỏi - đáp về phòng, chống ma tuý và các tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma tuý cho đoàn viên, thanh thiếu niên.

100% Đoàn trường học tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên ký giao ước thi đua đầu năm học thực hiện cuộc vận động “3 không với ma túy” (không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; dung túng, bao che cho tội phạm ma túy); phát động chi đoàn, chi hội thực hiện mục tiêu “Mỗi đoàn viên thanh niên, thiếu niên là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống ma túy, mại dâm”.

Thành lập, củng cố và duy trì các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của Đoàn thanh niên. Toàn tỉnh có 91 câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với sự tham gia của 18.380 đoàn viên thanh niên. Tăng cường công tác phối hợp nắm tình hình việc sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên tại địa phương, đơn vị; tình hình tội phạm ma túy trong độ tuổi thanh thiếu niên; tình hình thanh niên sau cai nghiện cần được tổ chức Đoàn, Hội giúp đỡ, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động đồng hành, hỗ trợ, chăm lo cho đối tượng thanh niên có nguy cơ cao, thanh niên hoàn lương, thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng thông qua các hoạt động trao học bổng học nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ thanh niên làm kinh tế tại địa phương; vận động tham gia các hoạt động phong trào chung, đặc biệt là các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Triển khai thực hiện chương trình “Hành trình của niềm tin” nhằm giáo dục pháp luật cho phạm nhân đang trong thời gian cải tạo, giam giữ tại các trại giam chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giao lưu định hướng lối sống cho thanh niên phạm pháp trong thời gian cải tạo, giam giữ tại các trại giam.

Đoàn thanh niên xã, phường, thị trấn phối hợp với công an và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành rà soát các đối tượng sau cai trở về địa phương, lập danh sách đăng ký phân công cán bộ tham gia phối hợp theo dõi, chia sẻ, giúp đỡ thanh niên sau cai tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương, hạn chế tình trạng tái nghiện. Phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan xây dựng chương trình hỗ trợ việc làm cho người nghiện sau cai, tập trung thông tin tuyên truyền, giới thiệu, định hướng cho các đối tượng thanh niên sau cai tiếp cận các mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương; kết hợp tuyên truyền cho cộng đồng xã hội chia sẻ, đồng cảm, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện và người nghiện sau cai. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên giải ngân, cho vay đối với thanh niên sau cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng làm kinh tế, cải thiện đời sống.

Như Thuỷ

1 2 3 4 5  ... 
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1