Khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2018), tối ngày 26/7, tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH, Bộ TT&TT và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công và Khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, UBND thành phố Hà Nội và các lão thành cách mạng, thân nhân người có công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân gia đình các liệt sĩ

Trong suốt 71 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, vì vậy, việc quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là đạo lý truyền thống của dân tộc, là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đối với các thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ là đề án phối hợp giữa các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiện nay cả nước vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang và hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng còn thiếu thông tin. Việc xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là nghĩa cử tri ân mà còn tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân liệt sĩ tiếp cận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ nhanh chóng, chính xác hơn, qua đó giúp các thân nhân giảm bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân.

Với mạng lưới hơn 12.000 điểm phục vụ và gần 43.000 lao động trải rộng tới tận cấp xã, thôn bản và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, Bưu điện Việt Nam (VNPost) được giao phối hợp xây dựng quy trình về phân chia dữ liệu các cấp, xây dựng các phần mềm ứng dụng phục vụ cổng và thu thập dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; triển khai thu thập dữ liệu trên toàn quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Tại các cuộc làm việc trước đó giữa các bên phối hợp, thông tin cho thấy, cả nước đã thu thập được 836.329 mộ liệt sĩ, 3.080 nghĩa trang liệt sĩ, chiếm tỷ lệ 95% tổng số mộ liệt sĩ có dữ liệu trên cơ sở dữ liệu của Bộ LĐ-TBXH. Trong quá trình thu thập, VNPost liên tục tiến hành rà soát chất lượng hình ảnh thông tin về sơ đồ nghĩa trang, thông tin đối với các mộ thêm mới, thông tin với các trường hợp mộ sai thông tin cũng như đối với trường hợp mộ được đánh dấu là liệt sĩ.

Một trong những công việc quan trọng mà Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng xác định đến năm 2020 đó là phấn đấu giải quyết căn bản các hồ sơ đề nghị công nhận là thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng. Đây là một công việc khó khăn, nhưng với quyết tâm của mình, ngành LĐ-TBXH được giao trọng trách, là đầu mối triển khai thực hiện, đã và đang nỗ lực với quyết tâm cao nhất hoàn thành nhiệm vụ.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã trân trọng trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 30 gia đình đại diện cho 442 gia đình thân nhân liệt sĩ nhận Bằng Tổ quốc ghi công trong dịp này.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

"Chúng ta mãi mãi không quên và không được phép quên những cống hiến, những hy sinh to lớn của những thế hệ cha anh đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc ta", Thủ tướng bày tỏ.

Trong 71 năm qua, với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hệ thống chính sách về người có công không ngừng được hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" thể hiện trách nhiệm và tinh thần hiếu nghĩa, bác ái của dân tộc được triển khai sâu rộng trong cả nước. Qua đó, phần nào làm dịu những nỗi đau, mất mát của những người ở lại.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, do các cuộc kháng chiến kéo dài, khốc liệt, nhiều trường hợp không còn hồ sơ giấy tờ gốc, người giao nhiệm vụ, biết sự việc không còn sống… nên đến nay còn nhiều liệt sĩ chưa được xác nhận, nhiều cống hiến chưa được tôn vinh. Đó là điều băn khoăn trăn trở lớn trong việc thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng nỗ lực tìm kiếm xác minh thông tin để tất cả đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến, đã hy sinh trong hoạt động cách mạng, trong kháng chiến, đều được xác nhận, tôn vinh xứng đáng.

Với yêu cầu khẩn trương, khẩn trương hơn nữa, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đổi mới cách làm trong công tác xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đến nay, chúng ta đã xác nhận hàng nghìn liệt sĩ, thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh, trong đó có nhiều trường hợp liệt sĩ đã hy sinh cách đây 70 - 80 năm.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng chân thành gửi lời biết ơn sâu sắc tới các thân nhân gia đình liệt sĩ hôm nay được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công sau bao nhiêu năm khắc khoải đợi chờ. "Chúng ta đã nỗ lực đạt nhiều kết quả, nhưng không được dừng lại, phải nỗ lực nhiều hơn nữa để người có công được tôn vinh xứng đáng, cuộc sống vật chất, tinh thần của người có công, thân nhân người có công ngày càng tốt đẹp. Các nghĩa trang liệt sĩ phải khang trang hơn, việc thăm viếng, thờ cúng phải được chu đáo hơn để các Anh hùng liệt sĩ được mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ấn nút khai trương Cổng Thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ

Trước khi dự buổi lễ, tại thị xã Sơn Tây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tẹo, gia đình thương binh 1/4 Đặng Đức Thuần, thăm gia đình thương binh 4/4 Phạm Văn Ý, có con là liệt sĩ và có cuộc làm việc với lãnh đạo thị xã, nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, kết quả thực hiện chính sách người có công.

Được biết, trong số 442 liệt sĩ được Đảng, Nhà nước trân trọng tôn vinh và trao Bằng Tổ Quốc ghi công lần này có những liệt sĩ hy sinh từ những năm 1936 (tính đến nay đã 82 năm) như các liệt sĩ: Nguyễn Văn Am (Ký Âm), Tống Văn Ưởng (Hưởng),Trần Ngọc Uẩn (Ký Uẩn), Ngô Văn Sóc... đều thuộc thành phố Hải Phòng và rất nhiều liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong những năm thập niên 40, 50 của thế kỷ XX. Hầu hết thuộc diện hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ từ rất lâu, và được ngành LĐ-TB&XH trân trọng đón nhận và giải quyết theo Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận người có công (QĐ 408/QĐ-LDTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ban hành ngày 20/3/ 2017).

Để có những tấm Bằng Tổ Quốc ghi công trân trọng trao cho đại diện thân nhân các liệt sĩ, toàn ngành lao động -Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân các cấp, các nhân chứng là các vị Lão thành cách mạng, bạn chiến đấu, tham khảo hồ sơ, giấy tờ, nhật ký lưu trữ... một cách cẩn trọng, tỷ mỷ, sau đó công khai kết quả giải quyết tại nơi sinh quán, hy sinh của liệt sĩ, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1