Xứng đáng là địa phương phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao
11/01/2024
(sonla.gov.vn) Trong những năm qua, việc phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mộc Châu đã đạt được những kết quả tích cực.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới.
Với mục tiêu tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Huyện Mộc Châu đã hình thành các vùng tập trung phát triển rau an toàn, hoa chất lượng cao, cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế cao; nhiều mô hình phát triển rau, hoa đem lại hiệu quả kinh tế cao với doanh thu mỗi năm hằng tỷ đồng/ha, như: Bơ, hồng giòn, quả có múi, mận hậu. Triển khai nhiều ứng dụng trong canh tác và chăn nuôi, như: sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà lưới; công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; công nghệ điều khiển tự động chế độ bón phân, tưới nước; công nghệ phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng; sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước…
Huyện có 293 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho hơn 481 ha cây trồng; 36 cơ sở đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới với diện tích gần 46 ha; có 29 mã số vùng trồng được cấp mã số; 24 cơ sở áp dụng việc thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích gần 383 ha, tập trung chủ yếu trên các loại sản phẩm rau, chè và cây ăn quả. Huyện Mộc Châu được UBND tỉnh công nhận 2 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao là: Vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu và Vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu. Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, huyện đã thực hiện khảo sát và định hướng 8 điểm tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ và từng bước để sản xuất hữu cơ trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 01 đơn vị hợp tác xã rau an toàn Tự nhiên, xã Đông Sang được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm rau hữu cơ với quy mô 5 ha rau các loại. Hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè Tân Lập thực hiện sản xuất theo quy trình hữu cơ và được cấp Giấy chứng nhận chuyển đổi năm thứ nhất. Có 1.673 tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất hơn 2.300 ha và có 03 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Các cơ quan chức năng của huyện đã hướng dẫn các hợp tác xã, cá nhân hoàn thiện hồ sơ và được công nhận 58 chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, huyện cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện và các chương trình hỗ trợ tín dụng của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư phát triển phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Diệp Hương