Đoàn công tác của huyện Bắc Yên thăm và làm việc tại bản Nà Sài (Pắc Ngà) về thực hiện mô hình Dân vận khéo
13/03/2023
Ngày 10/3/2023, đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Yên, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển Đề án du lịch huyện Bắc Yên cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại bản Nà Sài, xã Pắc Ngà về học tập mô hình dân vận khéo: Xây dựng đường bê tông và tu sửa Nhà văn hóa bản Nà Sài.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Thực hiện kế hoạch của Ban Dân vận tỉnh ủy về xây dựng mô hình Dân vận khéo, Đảng ủy xã Pắc Ngà đã tập trung lãnh đạo Chi bộ Nà Sài tuyên truyền vận động Nhân dân trong bản tham gia làm đường bê tông và tu sửa nhà văn hóa bản.
Công trình tu sửa Nhà văn hóa bản Nà Sài gồm các hạng mục: Đổ bê tông sân nhà văn hóa bản dài 22m x rộng 19m x dày 0,08m (tổng diện tích là 418m2); Cổng chào: cao 3,5 m, có mái che, biển tên, được đắp đá; Xây dựng tường bao 47 m, kết hợp xếp đá cao 0,8m, bên trên thiết kế rãnh trồng hoa; Hệ thống rãnh thoát nước, trồng cây trong khuân viên. Tổng trị giá công trình ước tính: 251.612.000 đồng, trong đó: Xi măng do Chi hội doanh nghiệp thành phố Sơn La hỗ trợ: 24 tấn, trị giá trên 47 triệu đồng. Nhân dân đóng góp kinh phí: 102.352.000 đồng; Đóng góp nguyên vật liệu (70m3 đá hộc, 24m3 đá 1x2, 85m3 cát, gạch, 16 m3 đá xếp tường) và 124 ngày công. Tuyến đường bê tông bản Nà Sài - bản Ảng có thiết kế dài 165m x rộng 4m x dầy 0,16 m. Tổng trị giá công trình ước tính: 216.406.000 đồng, trong đó: Xi măng do Chi hội doanh nghiệp thành phố Sơn La hỗ trợ: 27 tấn. Đóng góp kinh phí của nhân dân 59.850.000 đồng. Đóng góp nguyên vật liệu (84m3 đá 1x2, 66m3 cát) và 86 ngày công. Đến nay, toàn bộ các hạng mục công trình đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và theo đúng thiết kế.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Văn Xiêm đã biểu dương và ghi nhận những kết quả cán bộ và nhân dân bản Nà Sài đạt được trong tu sửa nhà văn hóa bản và đổ bê tông tuyến đường Nà Sài – Bản Ảng; đồng thời mong muốn, qua thực tế mô hình, các đảng ủy xã, các chi bộ bản vùng dọc sông vận dụng linh hoạt để cải tạo nhà văn hóa địa phương, chọn lọc những nét tương đồng về địa hình, nguồn lực, nhân lực, huy động xã hội hóa để nhân rộng mô hình. Phấn đấu, mỗi đảng bộ hoàn thành 1-3 bản áp dụng và thực hiện mô hình tương tự như bản Nà Sài.
Phạm Phượng (Bắc Yên)