Hội nghị Thủ tướng với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024
(sonla.gov.vn) Ngày 02/4/2024, tại Hà Nội Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024.

Dự Hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng; đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

anh tin bai

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì tại điểm cầu tỉnh.

anh tin bai

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, xã hội. Từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 đối tác chủ chốt, nâng tổng số đối tác chiến lược toàn diện lên 7 nước. Công tác xúc tiến, quảng bá, đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp được tăng cường trên cơ sở bám sát nhu cầu trong nước. Hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, gắn với thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược phục vụ điều hành kinh tế, xã hội được đẩy mạnh. Cơ chế phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế được đổi mới; công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện ngoại giao kinh tế được tăng cường.

Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã báo cáo nhanh tình hình phát triển kinh tế, xã hội; cập nhật tình hình hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên các lĩnh vực, trọng tâm là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, năng lượng sạch.

Các đồng chí cũng nêu bật cơ hội hợp tác đầu tư mà Việt Nam cần tranh thủ khai thác trên các lĩnh vực: Thương mại, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, khoa học công nghệ… nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề xuất một số kiến nghị để tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế như: Việt Nam cần có quyết sách cụ thể thu hút các tập đoàn lớn ở các nước vào Việt Nam; thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng sạch; tăng cường thu hút đầu tư lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu về lao động tay nghề cao của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh quảng bá, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch để thu hút khách nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước...

anh tin bai

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa tiên quyết để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tạo nền tảng quan trọng hướng tới Đại hội Đảng XIV. Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, thách thức và cơ hội đan xen, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cần đoàn kết, tiếp tục thúc đẩy 3 động lực chính góp phần tăng trưởng nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước, cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thỏa thuận đã đạt được nhằm tận dung tối đa việc nâng tầm, nâng cấp, mở rộng mối quan hệ với các đối tác để chuyển hóa thành các dự án, có kết quả cụ thể; Tăng tốc thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm tham gia xuất khẩu; Đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chiến lược; Đẩy mạnh tham mưu, triển khai các cơ chế mới, mang tính đột phá để huy động hiệu quả nguồn lực về tri thức, vốn đầu tư, vai trò cầu nối của kiều bào phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; Đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế, tiếp tục nâng cao vị thế đất nước, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng và hài hòa trong ứng xử quốc tế; Nâng cao nhạy bén và chất lượng của công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế, xã hội của Chính phủ; Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy hiệu quả các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế; Chú trọng nâng cao năng lực triển khai ngoại giao kinh tế của đội ngũ cán bộ của các Bộ, ban, ngành, địa phương. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần triển khai thiết lập quan hệ các nước, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu Việt Nam.

 

                                                                                                                                                                               Quốc Tuấn

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1