Tỉnh Sơn La chú trọng việc triển khai thực hiện công tác biên giới
(sonla.gov.vn) Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, chặt chẽ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương trong công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; sự chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời, sát sao của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan cùng với sự nỗ lực cố gắng của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới cũng như xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Bang.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo công tác biên giới và các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của tỉnh, tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng biên giới. Nội dung tuyên truyền tập trung vào 02 văn kiện pháp lý về biên giới đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào để Nhân dân nhận thức rõ về thành quả chung của hai nước, nâng cao ý thức tự giác trong việc góp phần vun đắp và bảo vệ mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Chính phủ và Nhân dân hai nước, nâng cao ý thức về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, về quyền và nghĩa vụ của công dân, về đoàn kết dân tộc, từ đó tích cực tham gia đấu tranh hiệu quả với các hoạt động tuyên truyền, kích động đồng bào tham gia các hoạt động gây rối an ninh trật tự; góp phần giữ vững an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm và từng bước phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.
Tỉnh Sơn La luôn quan tâm xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện với các tỉnh
nước CHDCND Lào
Các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đã phát sóng nhiều tin, bài, ảnh có nội dung về tình hình an ninh, kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự, quản lý xuất, nhập cảnh, hộ tịch, quốc tịch...; lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức duy trì triển khai được 1.128 lượt tổ, đội công tác với 2.234 lượt cán bộ, chiến sĩ thường xuyên bám nắm tình hình địa bàn khu vực biên giới và đã tổ chức được 389 buổi tuyên truyền miệng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và 02 văn kiện pháp lý về biên giới đến 15.715 đồng bào Nhân dân các dân tộc trong khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh tham gia nghe; vận động quần chúng Nhân dân khu vực biên giới tích cực phát triển kinh tế - xã hội theo các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh.
Đồng thời, Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện biên giới thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Bang (Lào) duy trì công tác tuần tra song phương, đơn phương nhằm bảo vệ hệ thống đường biên giới, cột mốc quốc giới, cọc dấu biên giới theo quy định của Hiệp định. Đã tổ chức bảo dưỡng, sơn sửa lại phần chữ và số hiệu đối với toàn bộ các mốc quốc giới, cọc dấu biên giới thuộc địa bàn tỉnh theo phân công quản lý, bảo vệ (số chẵn); hiện nay đang phối hợp với tỉnh Luông Pha Bang để triển khai công tác bảo dưỡng, sơn sửa lại phần chữ và số hiệu các mốc quốc giới, cọc dấu biên giới thuộc trách nhiệm của tỉnh Luông Pha Bang.
Bên cạnh đó, các lực lượng chuyên trách quản lý cửa khẩu đã duy trì và thực hiện nghiêm công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông biên giới theo đúng quy định của pháp luật mỗi nước và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào. Trong 06 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chuyên trách đã làm thủ tục tại cửa khẩu cho 11.997 lượt người xuất cảnh, 11.260 lượt người nhập cảnh; thủ tục xuất cảnh đối với 1.624 lượt ô tô, 8.313 lượt xe máy; thủ tục nhập cảnh đối với 1.482 lượt ô tô, 9.286 lượt xe máy. Làm thủ tục xuất khẩu đối với 437 tấn xi măng, 927 tấn bông, 4.000 viên gạch xây dựng, hơn 95 tấn thép mạ kẽm, 1.500 tấm Fibro xi măng, 06 tấn tôn mạ kẽm, 05 tấn tôn lạnh; nhập khẩu 2.240 tấn ngô bắp, 1.940 tấn sắn...
Tỉnh luôn quan tâm tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, quy hoạch dân cư, phát triển hạ tầng giao thông, thông tin, y tế, nước sạch...góp phần từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới: tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi; thường xuyên rà soát, nắm thông tin về số lượng người chưa biết chữ, người tái mù chữ; xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ (XMC) cụ thể đối với từng xã thuộc khu vực biên giới; tổ chức mở lớp và dạy học XMC; bố trí đủ giáo viên thực hiện dạy học XMC, đảm bảo đủ cơ sở vật chất cho công tác dạy học XMC; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho công tác dạy học XMC; đổi mới công tác quản lý và tổ chức lớp học XMC phù hợp với các nhóm đối tượng người học; tổ chức các lớp học XMC phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với điều kiện công việc của học viên.
Tiếp tục phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung, có quy mô phù hợp, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hướng dẫn thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các cây có giá trị kinh tế cao gắn với việc hình thành các vùng chuyên canh, tập trung; rà soát, đánh giá hiện trạng và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn các huyện biên giới giai đoạn 2022 - 2025; khảo sát, xây dựng kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ cụ thể đối với từng xã thuộc khu vực biên giới trong năm 2024...
Như Thủy