Yên Châu tập trung phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản
Những năm gần đây, tỉnh Sơn La tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Yên Châu đã quan tâm, chú trọng công tác phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Yên Châu tập trung phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản.
Huyện Yên Châu đang tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản như: Công nghệ chế biến rượu từ sản phẩm chuối Yên Châu; công nghệ chuối sấy giòn, sấy dẻo, long nhãn, chè khô, xoài, mận, tỏi đen, nghệ (hiện nay đã xây dựng được 15 lò sấy hơi nhiệt, 15 cơ sở đóng gói, 01 dây chuyền sấy lạnh...) giải quyết được một phần vấn đề chế biến sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển, một số ngành nghề truyền thống tiếp tục khôi phục và phát triển, như dệt thổ cẩm ở bản Thèn Luông xã Chiềng Đông, bản Huổi Ngà xã Chiềng Hặc.
Bên cạnh đó huyện cũng chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản được chú trọng quan tâm, tổ chức thành công Ngày hội xoài huyện Yên Châu hàng năm; Lễ xuất khẩu xoài; tổ chức tham gia 25 chuỗi xúc tiến thương mại tại các tuần hàng, các hội nghị xúc tiến thương mại (năm 2020: 18 chuỗi, năm 2021: 2 chuỗi, năm 2022: 5 chuỗi), làm tốt công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng hóa nông sản của huyện đến với thị trường trong và ngoài nước; phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xuất khẩu được xoài 7.991 tấn, nhãn 644,5 tấn, chuối 143 tấn, ... giá trị xuất khẩu đến hết năm 2022 đạt 8,330 triệu USD (tương đương 191,590 tỷ đồng), đạt 53% so với chỉ tiêu Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXI.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, đáp ứng kịp thời điều kiện kinh doanh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Hàng năm huyện đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm soát thương mại, đấu tranh với gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn huyện.
Huyện từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trên một số lĩnh vực, như: Nông nghiệp, xây dựng… Việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học vào công tác quản lý, chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Chỉ đạo xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi.
Quản lý và khai thác tốt vùng chỉ dẫn địa lý đối với quả Xoài tròn Yên Châu theo đúng chỉ dẫn địa lý, nhận diện sản phẩm được cấp, làm tốt công tác phát triển thương hiệu Xoài, Chuối Yên Châu, góp phần làm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực của địa phương. Huyện đã chỉ đạo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc "Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030" trình Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Nhãn Sơn La” cho 03 Hợp tác xã, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Mận Sơn La” cho 05 Hợp tác xã, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Bơ Sơn La” cho 01 Hợp tác xã, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Xoài Sơn La” cho 09 Hợp tác xã, trong đó 03 Hợp tác xã được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Xoài Yên Châu”. Lựa chọn các mô hình điểm để chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhất là ngành nông nghiệp, chấm và công nhận 303 đề tài sáng kiến kinh nghiệm.
Diệp Hương