Thuận Châu quan tâm phát triển cây cà phê
Sau nhiều năm đầu tư phát triển cây cà phê, mặc dù phải trải qua những ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, sương muối, biến động của thị trường, nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu, nỗ lực của các địa phương và người dân, vùng cà phê của huyện Thuận Châu đã phát triển thành vùng khá tập trung và là vùng chuyên canh cây cà phê lớn thứ 2 của tỉnh Sơn La. Cây cà phê đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, người dân đã từng bước thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất, từ đó đã nâng cao năng suất, sản lượng cà phê. Cùng với đó, những năm gần đây, giá cà phê ổn định đã giúp nhiều người dân trồng cà phê không những xoá được đói, giảm được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu hướng dẫn người dân chăm sóc cây cà phê.

Huyện Thuận Châu là vùng chuyên canh cây cà phê lớn thứ 2 của tỉnh Sơn La, với diện tích trên 5.590 ha được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã: Nậm Lầu, Bon Phặng, Muổi Nọi, Tông Cọ, Chiềng Pha, Chiềng Bôm...; trong đó, diện tích đã cho sản phẩm đạt trên 4.400 ha, diện tích đang chăm sóc là gần 1.200 ha. Ngay sau khi kết thúc vụ cà phê năm 2021, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây cà phê theo đúng quy trình kỹ thuật. Năm nay, diễn biến thời tiết phức tạp, nên ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây cà phê; chỉ đạo cán bộ khuyến nông viên xã thường xuyên bám sát nương rẫy, hướng dẫn nhân dân chăm sóc và thu hoạch.

Xã Chiềng Bôm, một trong những xã trồng cà phê lớn của huyện Thuận Châu. Toàn xã hiện có 265 ha cà phê, trong đó, 260 ha cà phê đang cho thu hoạch. Những năm trước bà con nhân dân có thói quen canh tác cây nông nghiệp và cây ngắn ngày nhưng hiệu quả không cao. Với lợi thế về khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây cà phê, xã Chiềng Bôm đã tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây cà phê.

Xã Púng Tra cũng là một trong những xã có diện tích cà phê lớn của huyện Thuận Châu, diện tích cà phê toàn xã hiện nay trên 350 ha, sản lượng đạt trên 2.400 tấn. Xã Púng Tra đã xác định cây cà phê là cây trồng chủ lực của xã nên trong những năm vừa qua, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh, huyện về đầu tư, phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, gắn với thị trường tiêu thụ, trên cơ sở đó Ban Chấp hành Đảng bộ xã Púng Tra đã ban hành Nghị quyết số 16 về nâng cao sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp trong đó có phát triển bền vững cây cà phê. UBND xã đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác từ truyền thống sang canh tác có áp dụng khoa học kỹ thuật. Trong những năm gần đây, giá cà phê ổn định giao động từ 7.000đ - 15.000đ/kg đã tạo nguồn thu nhập chính cho nhân dân, đời sống của nhân dân có sự thay đổi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống từ 3-5%/năm. Để phát triển cà phê theo chuỗi liên kết, xã Púng Tra đã khuyến khích các nông hộ liên kết thành lập HTX và đến nay, xã Púng Tra đã có 2 HTX nông nghiệp. Việc thành lập các HTX đã giúp các thành viên được tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn từ đó nâng cao giá trị sản phẩm cà phê, tăng thu nhập cho các thành viên HTX.

Vụ cà phê năm nay, dự kiến năng suất cà phê nhân toàn huyện đạt 10,5 tạ/ha, sản lượng đạt gần 4.630 tấn cà phê nhân. Để phát triển cây cà phê hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, huyện Thuận Châu phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp triển khai xây dựng các chương trình, mô hình về canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số giống và phê mới; xây dựng chuỗi liên kết phát triển sản xuất sản phẩm cà phê gắn với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại…

Với sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện, các phòng chuyên môn tập huấn, hướng dẫn bà con nhân dân, đặc biệt, giá cà phê năm nay đang có chiều hướng nhích lên, hiện cà phê đang có giá 15.000 đồng/kg cà phê tươi, hy vọng rằng vụ cà phê năm nay sẽ mang lại nhiều niềm vui với người trồng cà phê của huyện Thuận Châu nói riêng và của tỉnh Sơn La nói chung.

Lê Hồng

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1