Chính sách đối với người công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Ngày
08/10/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực
lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo đó, vùng
có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là Huyện đảo Trường Sa, Hoàng
Sa, DK1; các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc
biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các thôn, buôn, xóm,
bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao
động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị -
xã hội từ trung ương đến xã, phường, thị trấn và người hưởng lương trong lực
lượng vũ trang (bao gồm cả trường hợp điều động, biệt phái, luân chuyển và
không phân biệt người địa phương với người nơi khác đến) đã được xếp lương theo
bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công
tác và đến công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Các đối tượng trên khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức,
đơn vị thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp lần
đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện
KT-XH đặc biệt khó khăn.
Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện
KT-XH đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu
xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé,
giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức
khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải
công cộng thông thường; được trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.
Ngoài ra, các đối tượng trên còn được hưởng phụ cấp thu hút bằng
70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên
vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều
kiện KT-XH đặc biệt khó khăn không quá 5 năm.
Bên cạnh đó, được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương
cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn
như: Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều
kiện KT-XH đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm; mức 0,7 áp dụng đối
với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó
khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm; mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian
thực tế làm việc ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở
lên.
Nghị định có
hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019 và thay thế Nghị định số 116/2010/NĐ-CP
ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên
chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2019
của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có
điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bãi bỏ Điều 7,
Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Nghị định số
61/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo
dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/3/2013 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP.
Chi tiết văn bản xem
tại đây:
Tú Quyên (CTV)