Người H’Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm đó họ gặp may mắn, nên đón tiếp rất chu đáo, mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi khách ra về, người H’Mông sẽ tặng khách bánh dầy tự tay họ làm ra.
Tết của người H’Mông không trùng với Tết cổ truyền của người Kinh. Người
H’Mông ăn Tết trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 30/11 âm lịch. Thời điểm này
người H’Mông đang tổ chức đón tết trên khắp các bản làng. Các nghi lễ đón Tết
của người dân tộc H’Mông cũng rất độc đáo, chính nhờ những nét độc đáo, đặc sắc
rất riêng nên nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng nhờ vào Tết cổ truyền.
Cũng
như các dân tộc, công việc chuẩn bị của họ cho Tết vào trước ngày 30/11 âm lịch,
sửa sang, thay mới ban thờ và làm bánh dầy món bánh truyền thống trong ngày tết
của người H’Mông. Trước khi làm lễ cúng tổ tiên, từng dòng họ trong bản cử
thanh niên trai tráng, chặt được một cây to cao mang về dựng ở cuối bản, nơi có
đủ mặt bằng cho cả họ tập trung lại và đan cỏ tranh thành hai sợi dây dài trang
trí vòng tròn trên cây. Đây được gọi là lễ “Sầu su” tổ chức vào ngày cuối cùng
âm lịch của tháng 12.
Ban thờ của người H’Mông độc đáo và mang đậm bản sắc,
thể hiện nét độc đáo, giản dị như cuộc sống của họ. Ban thờ để chính giữa hướng
đường, chỉ với một tờ giấy trắng tự làm ra, dán lên tường cùng các hình thù
trang trí, biểu tượng cho sức khỏe. Mỗi lần thắp hương cúng tổ tiên, người
H’Mông đem bàn gỗ ra để các vật thờ lên trên đó, ngoài con gà, 2 chiếc bánh dầy
và một ít hoa quả, họ còn thờ cái cuốc, xẻng, rìu, súng săn chuột… (những vật
dụng giúp họ trong sản xuất, săn bắn).
Người H’Mông quan niệm những vật dụng đó cũng như con
người, cũng phải để nó nghỉ, có vậy năm sau nó mới có sức khỏe để cày, bừa, săn
nhiều chuột, giúp con người khỏi bị đói rét. Ngoài ra, người H’Mông còn thờ 2
bếp chính, thắp hương liên tục 3 ngày để thần bếp giúp họ luôn giữ ngọn lửa,
xua đuổi tà ma và thú dữ. Những vật dụng dùng để thờ thường là những thứ mà
chính tay người H’Mông làm ra… Trong những ngày tết người H’Mông có phong tục không gọi nhau vào sớm mùng Một, ba ngày Tết chỉ
ăn thịt chứ không ăn rau, nấu bếp không được dùng miệng thổi, ăn cơm không được
chan canh…
Ngày
nay, người H’Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn giữ được những nét truyền thống
đặc sắc của dân tộc. Đây cũng là điểm thu hút du lịch độc đáo của tỉnh Sơn La. Lên
Mộc Châu, Vân Hồ vào dịp này du khách có thể tham gia đón tết cùng đồng bào dân
tộc H’Mông. Cùng tham gia các lễ hội, trò chơi của người H’Mông hết sức độc
đáo. Tết của người H’Mông cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Trong
các ngày Tết, nam thanh, nữ tú trưng diện những bộ quần áo mới và diện các đồ
trang sức đẹp nhất, chơi các trò chơi dân gian và rất nhiều hoạt động
vui chơi như thi trình diễn trang phục truyền thống, văn nghệ, thi đấu thể
thao. Các tiết mục văn nghệ như múa, hát, kịch, biểu diễn nhạc cụ dân tộc được
dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc dân tộc. Các môn thi thể thao dân tộc thường
được tổ chức trong dịp này như bắn nỏ, đẩy
gậy, kéo co, tulu... Bên cạnh đó người H’Mông còn tổ chức các môn
thể thao hiện đại như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông… làm tăng không khí đoàn kết,
sôi nổi của ngày tết cổ truyền dân tộc.
Diệp Hương