Lễ hội Mừng cơm mới mừng cho một năm được mùa và cầu mong mùa sau bội thu
Lễ hội Mừng Cơm Mới của người Kháng ở Mường La là nghi lễ nông nghiệp có tính chất tâm linh nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng dân tộc Kháng. Lễ hội mừng cho một năm được mùa và cầu mong sang năm ông bà, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho được mùa bội thu.

 Theo truyền thống lễ hội Mừng Cơm Mới dân tộc Kháng bản Huổi Tao, huyện Mường La thường được tổ chức vào một ngày nhất định trong năm. Trước đây, do giống lúa cũ, thời gian sinh trưởng dài và do khí hậu nên lúa nương được trồng muộn khoảng tháng 5 - 6, thường gặt vào tháng 10 dương lịch nên Lễ hội Mừng Cơm Mới thường được tổ chức vào tháng 10. Hiện nay, giống lúa mới ngắn ngày hơn và do thời tiết thay đổi, khí hậu nóng hơn nên lúa được trồng sớm, khoảng cuối tháng 4- đầu tháng 5 là phải trồng xong nên lúa gặt sớm hơn, cuối tháng 8 đầu tháng 9 là lúa đã chín, vì vậy lễ mừng cơm mới cũng theo đó mà được tổ chức sớm hơn.

Tuỳ theo từng gia đình để chọn ngày tổ chức lễ mừng cơm mới cho phù hợp với gia đình mình, chọn ngày đẹp, không tổ chức vào ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình. Khi thấy lúa trên nương nhà mình đã chín thì tổ chức lễ mừng cơm mới sau đó tiến hành gặt lúa nương. Lễ hội nhằm cám ơn ông bà tổ tiên, những người đã "vất vả" suốt cả mùa vụ, do con cháu "nhờ trông nom" nương  rẫy, giờ đây mùa màng tươi tốt, lúa đã chín, đã đến lúc thu hoạch. Con cháu gặt lúa mới làm mâm cơm, chút lễ mời ông bà, tổ tiên về hưởng lộc, ăn cơm mới.

Lễ hội mừng cho một năm được mùa, cầu mong sang năm ông bà, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho được mùa bội thu. Lễ hội Mừng Cơm Mới là nghi lễ nông nghiệp có tính chất tâm linh nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng tộc người sống trên một địa bàn. Đây là lễ nghi, là nhu cầu tâm linh của người dân trong bản trước vòng quay của mùa vụ, cám ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ, đã “trông nom” nương rẫy để có một vụ mùa bội thu, cầu mong mùa tới lại tiếp tục được mùa. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội.

            Đây là lễ hội mang tính chất gia đình nhưng có sự tham dự của họ hàng, đại diện các gia đình trong bản cùng  nhau vui vẻ sau một năm lao động vất vả. Trước đây, chưa theo tết cổ truyền dân tộc thì đây được coi là tết của người Kháng. Đây là một lễ hội nông nghiệp nên lễ vật dùng để cúng chủ yếu là các sản vật được trồng từ nương rẫy. Khi làm nương, người Kháng thường làm một đám nương nhỏ, gieo lúa trước để lúa chín trước vừa dùng để cứu đói, vừa dùng làm lễ vật trong Lễ hội Mừng Cơm Mới. Khi lúa ở đám nương này chín thì người ta gặt về, chế biến chuẩn bị các lễ vật cho Lễ hội Mừng Cơm Mới. Ngoài ra, người ta ra suối quăng chài lấy cá săn bắt côn trùng, thú rừng về để chế biến các món làm đồ lễ. Trên mâm càng nhiều loại đồ lễ thì được coi là càng có hiếu với ông bà, tổ tiên. Lễ vật bao gồm hai thể loại chính lễ vật chế biến từ thực vật, lễ vật chế biến từ động vật, côn trùng. Ngoài phần lễ để cúng thì gia chủ thường làm thêm thức ăn, xôi, rượu để mời bà con trong bản đến ăn cơm, uống rượu góp vui với gia chủ.

 Ngoài các đồ lễ đã được chuẩn bị thì ngày hôm trước, ông bà chủ nhà đã đi quăng chài lấy cá, tìm kiếm các loại côn trùng, rau, măng về chuẩn bị sẵn. Sáng sớm của ngày tổ chức lễ hội, ông bà chủ nhà và các thành viên trong gia đình đã chuẩn bị các lễ vật. Sau khi nấu nướng xong, ông bà chủ nhà dọn gian thờ, bày lễ vật lên mâm để cúng. Trước đây, người Kháng không có tục thắp hương mà chỉ đặt lễ và cúng khấn. Ngày nay, do du nhập phong tục của người Kinh, người Kháng cũng đã thắp hương trong lễ cúng.

Phần hội chủ nhà mời tất cả mọi người lần lượt uống từng chum rượu cần, mỗi người phải uống được một lượt của một chum và ăn một chút các món ăn trên mâm lễ. Mỗi người uống rượu và ăn lễ xong đều nói những lời tốt đẹp để chúc gia đình mạnh khỏe, mùa vụ bội thu... Trong khi ăn uống, người ta tổ chức thi uống rượu cần, múa tăng bu, Kơ dơng, hát đối...để mọi người cùng vui.

Lễ hội Mừng Cơm Mới của người Kháng ở bản Huổi Tao, xã Nậm Dôn, huyện Mường La được tổ chức có quy mô nhỏ, trong phạm vi gia đình nhưng mang tính cộng đồng cao vì các gia đình trong bản đều tổ chức và đều có sự tham gia của các gia đình còn lại. Việc tổ chức phần lễ được chuẩn bị chu đáo, phù hợp với những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Kháng, phù hợp với cư dân canh tác nông nghiệp nương rẫy, để con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn các bậc sinh thành. Ngoài phần lễ thì đây là dịp để các hộ gia đình, các thành viên trong bản gặp gỡ nhau, vui vẻ trong bữa cơm thân mật sau một vụ mùa vất vả, mừng thành quả lao động sắp được thu hoạch. Lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó cộng đồng của đồng bào trong trong bản nói riêng và đồng bào Kháng nói chung.

Diệp Hương

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1