Tỉnh Sơn La triển khai thi hành hiệu quả Luật Trồng trọt
(sonla.gov.vn) Luật Trồng trọt được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, Luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực từ giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến, bảo quản đến xuất khẩu, nhập khẩu; bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ đối với các loại phân bón… bảo đảm phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường. Sau hơn 3 năm triển khai thi hành Luật công tác quản lý giống cây trồng, phân bón và một số nội dung khác đã được UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND các huyện triển khai thực hiện theo đúng quy định và đã đạt được những kết quả nhất định.
anh tin bai

Luật Trồng trọt được thi hành góp phần thay đổi nhận thức, tư duy 
của các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất trồng trọt.

Ngay sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn triển khai các nội dung của Luật Trồng trọt đã được các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai nghiêm túc, tích cực, tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Từ năm 2020 đến nay, đã tổ chức quán triệt, tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Trồng trọt cho 15.313 lượt người; tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người tham gia hoạt động trồng trọt cho 2.537 lượt người tham gia và cử cán bộ, công chức tham gia đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; tập huấn chuyên môn và cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón được 22 lớp tập huấn cho 808 người tham gia.

Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao; phát triển tập trung liên kết sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa nông sản; các chính sách hỗ trợ phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực cho nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá có chất lượng, giá trị sản phẩm cao, được nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đồng tình, ủng hộ; cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tạo nên khí thế mạnh mẽ trong việc phát triển sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao, người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành những sản phẩm hàng hoá tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu.

Giai đoạn 2020-2023, trên địa bàn tỉnh Sơn La triển khai thực hiện 52 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, trong đó, nhiều kết quả trong lĩnh vực trồng trọt đã phục vụ kịp thời trong triển khai các chủ trương phát triển nông nghiệp của tỉnh như: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 28 sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có 25 sản phẩm trồng trọt mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; trong đó có 02 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài, 03 chỉ dẫn địa lý, 22 nhãn hiệu chứng nhận. Đến hết năm 2023, tỉnh Sơn La công nhận được 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt gồm: 01 vùng chè, 02 vùng cà phê, 01 vùng na tại huyện Mai Sơn.

Cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt được xây dựng và thường xuyên cập nhật, đăng tải trên trang thông tin điện tử hệ thống thông tin tổng hợp, cổng dữ liệu mở tỉnh Sơn La tại địa chỉ: https://data.sonla.gov.vn/ bao gồm: Dữ liệu về mã số vùng trồng; cơ sở đóng gói; cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; buôn bán phân bón; công bố thông báo tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm thực phẩm, nông lâm, thủy sản.

Công tác quản lý sản xuất, buôn bán, chất lượng giống cây trồng đã thực hiện đúng các quy định của Pháp luật. Tổng số các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh là 310 cơ sở. Việc sản xuất và cung ứng giống cây trồng có chất lượng cho nhân dân trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu giống cây trồng đảm bảo chất lượng theo đúng quy định với nhiều chủng loại khác nhau; Tổ chức triển khai các mô hình áp dụng giống mới trên địa bàn để khuyến cáo kịp thời việc sử dụng giống hiệu quả cho sản xuất.

Quản lý về canh tác, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện thành phố tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng các vụ trong năm; hướng dẫn, chỉ đạo nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ...; phổ biến các quy định về nông nghiệp hữu cơ, canh tác trong vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, đầu tư thâm canh cao, cơ giới hóa sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với cây trồng như: sử dụng phân hữu cơ sinh học, tưới tiết kiệm nước,... nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Có thể thấy, sau 3 năm triển khai thi hành Luật Trồng trọt, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hình thành vùng sản xuất tập trung theo định hướng thị trường; đảm bảo cung cấp nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến; Hệ thống sản xuất và buôn bán giống cây trồng tiếp tục phát triển, cung ứng giống cây trồng chất lượng cho nhân dân đáp ứng nhu cầu sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh, ngoài ra một số giống cây trồng còn cung ứng cả trong và ngoài nước; Công tác quản lý phân bón được triển khai thực hiện đúng theo quy định.

Lê Hồng

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1