Tình hình giá cả hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ tháng 4/2024 có xu hướng tăng nhẹ
(Kinh tế) Tình hình giá cả hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ tháng 4/2024 có xu hướng tăng nhẹ, chủ yếu ở các mặt hàng tiêu dùng thực phẩm tươi sống phục vụ cho đợt nghỉ lễ kéo dài. Giá xăng dầu tăng do quyết định của liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh giá trong tháng;chỉ số giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng khi thời tiết nắng nóng. Tính chung chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Sơn La tháng 4 năm 2024 tăng 0,70% so với tháng trước, tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước, bình quân cùng kỳ tăng 2,66%.

So với tháng trước, CPI tháng 4/2024 tăng 0,70% khu vực thành thị tăng 0,65%; khu vực nông thôn tăng 0,72%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 06 nhóm hàng hóa tăng giá, 05 nhóm hàng hóa không thay đổi giá, cụ thể:  Sáu nhóm hàng hóa tiêu dùng có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông có chỉ số giá tăng 1,73%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,86%. Bốn nhóm hàng hóa còn lại có mức tăng từ 0,04% - 0,83%.

Năm nhóm hàng hóa tiêu dùng có chỉ số giá ổn định: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4 tăng 4,64%, trong 11 nhóm hàng hóa tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng hóa tiêu dùng tăng giá, 01 nhóm hàng hóa tiêu dùng ổn định Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng 2024 tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng chính, có 09 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tăng so với cùng kỳ lần lượt là: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng cao nhất 10,38%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,45%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,36%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,43%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt vật liệu xây dựng tăng 3,50%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,44%; nhóm giao thông tăng 1,94%; nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%. Có 02 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng giảm: Nhóm giáo dục có chỉ số giá giảm 22,62%; nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm 0,01%.

Nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI do nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 10,38% chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống, chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, nhóm đồ uống và thuốc lá đang có xu hướng chuyển dịch bên trong nội bộ ngành từ nhóm đồ uống có cồn sang nhóm đồ uống không chứa cồn do nhu cầu bảo vệ sức khỏe và chính sách siết chặt quản lý rượu bia.  Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% một phần do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,45% do thực hiện thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2023 về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hàng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,36% do giá một số dịch vụ được điều chỉnh tăng khi mức lương cơ sở và chính sách thay đổi, cùng với nhu cầu mua sắm trang sức làm quà, tích lũy tài sản bằng vàng khi giá vàng tăng liên tục từ cuối năm 2023.

Nhóm giáo dục có chỉ số giá giảm 22,62% do áp dụng mức học phí cũ theo Công văn số 589/UBND-KGVX ngày 28/2/2023 của UBND tỉnh Sơn La về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023.

Để đảm bảo bình ổn giá trong trong thời gian tới các ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nguyễn Hạnh

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1