Quỳnh Nhai phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực thủy sản
(sonla.gov.vn) Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và diện tích mặt nước lòng hồ thuỷ điện Sơn La, những năm qua các hợp tác xã (HTX) thuỷ sản và nông nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã được thành lập và ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động. Các HTX đã và đang làm tốt khâu liên kết thành viên, các hộ gia đình nuôi cá lồng, liên kết trong chăm sóc nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm.
anh tin bai

Sản phẩm cá tép dầu khô của HTX Thái Tuấn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai

Quỳnh Nhai là huyện di dân tái định cư nằm trong vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, có lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ lớn. Những năm qua, cùng với việc tập trung ổn định đời sống nhân dân. Đảng bộ, chính quyền huyện cũng đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp tuyên truyền hỗ trợ người dân trên địa bàn đã tích cực phát triển nghề nuôi cá lồng, liên kết thành các hợp tác xã thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo lợi thế trong việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường; mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương... 

Đến nay, toàn huyện có 25 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, với hơn 4.500 lồng cá, sản lượng nuôi và đánh bắt hơn 1.800 tấn/năm. Các HTX thủy sản tập trung chủ yếu ở xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn và Mường Giàng, thành viên chủ yếu là các gia đình nuôi cá lồng lâu năm liên kết nuôi, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của lòng hồ Quỳnh Nhai. Trong đó, riêng xã Chiềng Bằng có tới 12 HTX nuôi thủy sản, với trên 2.600 lồng cá, chiếm hơn 60% tổng số lồng cá và sản lượng thủy sản của huyện hằng năm. Các HTX đã và đang làm tốt khâu liên kết thành viên, các hộ gia đình nuôi cá lồng, liên kết trong chăm sóc nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm. Những năm qua, huyện phối hợp với các ngành chức năng để khảo sát công bố chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cá vùng lòng hồ sông Đà Quỳnh Nhai; tăng cường chất lượng hoạt động của Tổ tư vấn thủy sản, tập trung hỗ trợ, định hướng phát triển mô hình HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP, tìm kiếm các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các HTX...

Huyện đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX. Đồng thời, khuyến khích việc đa dạng các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, đầu tư xưởng sản xuất, kho đông lạnh chế biến sản phẩm thủy sản cấp đông, chả cá, xúc xích cá... Năm 2023, huyện đã triển khai chương trình hỗ trợ các HTX với nguồn kinh phí trên 200 triệu đồng để xây dựng phần mềm hỗ trợ HTX, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ, công nhận mới các sản phẩm OCOP.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tích cực trong tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh duy trì tốt các mô hình, sản phẩm đang có triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các sản phẩm đặc trưng để nâng cao khả năng cạnh tranh. Năm 2023, huyện đã xây dựng 3 sản phẩm OCOP là cá sông Đà cấp đông, gạo nếp tan Chiềng Khoang và tinh dầu xả Java.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục các triển khai các giải pháp để tăng cường thu hút vốn đầu tư, các nhà doanh nghiệp phát triển nuôi cá lồng và du lịch thủy sản; tập trung hướng dẫn, mở lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật, phòng bệnh cho thủy sản, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, giúp phát huy tốt tiềm năng của huyện vùng lòng hồ và tạo sinh kế bền vững cho bà con nhân dân trên địa bàn.

Lê Hồng

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1