Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2018
Kinh tế - xã hội của tỉnh những tháng đầu năm 2018 diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước tuy có những chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng dự báo ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài phát triển nhưng tốc độ còn chậm, năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp, nợ xấu, nợ công còn cao, chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp. Trên địa bàn tỉnh, năm 2018 tiếp tục có nhiều khó khăn với cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, quy mô và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực kinh tế được cải thiện song còn chậm; nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội lớn trong khi nguồn lực hạn hẹp; bên cạnh đó tình hình thời tiết và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, các đợt rét đậm, rét hại cùng mưa đá, gió lốc đầu năm đã gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, đồng thời ban hành Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 về kế hoạch đầu tư công năm 2018; Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 10/01/2018 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách địa phương năm 2018... với sự quyết tâm, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân các dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh quý I năm 2018 diễn biến theo chiều hướng tích cực với những kết quả cụ thể như sau:

I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào gieo trồng, chăm sóc cây trồng vụ đông xuân. Tính đến giữa tháng Ba, toàn tỉnh đã gieo trồng được 7.542 ha lúa đông xuân, 1.395 ha ngô, 32.176 ha sắn, 8.039 ha mía, 2.787 ha rau và 121 ha đậu các loại. So với cùng kỳ năm trước diện tích lúa đông xuân giảm 4,7%, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đầu vụ nên gieo cấy muộn; ngô tăng 28,9%; sắn giảm 2,0%; mía tăng 27,6%; rau các loại tăng 4,6%; đậu các loại tăng 86,2%.

Cũng tính đến thời điểm trên, toàn tỉnh đã thu hoạch được 1.460 tấn ngô, 377.412 tấn sắn (hoàn thành thu hoạch sắn), 332.326 tấn mía, 26.476 tấn rau các loại, 144 tấn khoai lang, 121 tấn đậu các loại. So với cùng kỳ năm trước sản lượng ngô tăng 27,8%; sắn giảm 2,3%; mía tăng 23,4%; rau các loại tăng 2,7%; đậu các loại tăng 120,0%.

Cây lâu năm tiếp tục phát triển, diện tích cây lâu năm hiện có 35.661 ha cây ăn quả, 28.179 ha cây lấy sản phẩm chủ yếu cho công nghiệp chế biến, trong đó chè 4.516 ha, cao su 6.039 ha, cà phê 17.624 ha. So với cùng kỳ năm trước diện tích cây ăn quả tăng 52,3%, do có chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển cây lâu năm của tỉnh ; cây lấy sản phẩm cho công nghiệp chế biến tăng 1,4%, trong đó chè tăng 5,1%, cà phê tăng 2,0%, cao su giảm 2,7%.

Thực hiện chủ trương chuyển dịch sản xuất cây trồng của tỉnh, 3 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh trồng mới 243 ha cây ăn quả trên đất dốc và 33 ha cây ghép lai cho năng suất và chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có 19.570 ha cây ăn quả trồng trên đất dốc, trong đó trồng trên đất trồng lúa nương 90 ha, đất trồng ngô 17.438 ha, đất trồng sắn 1.343 ha, đất trồng cà phê 699 ha; 7.608 ha cây lâu năm ghép lai, trong đó 2.824 ha diện tích cho sản phẩm; 154 ha rau các loại, 248 ha chè, 121 ha nhãn, 26 ha xoài, 20 ha na, 08 ha chanh leo, 05 ha mận và 05 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGap.

Tính chung quý I năm nay đã thu hoạch được 7.145 tấn chuối, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; 1.357 tấn cam, tăng 107,8%; 526 tấn bưởi, tăng 22,9%; 239 tấn chè, tăng 13,8%; 140 tấn chanh leo, cùng kỳ năm trước không phát sinh; 44 tấn cao su, tăng 69,2%; 17 tấn mận, giảm 43,3%.

Trong quý trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch bệnh đối với các loại cây trồng làm 10 ha lúa, 15 ha rau, 54 ha cà phê, 45 ha cây ăn quả bị bệnh, tuy nhiên không có diện tích mất trắng, dự ước giá trị thiệt hại 52 triệu đồng.

b) Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định. Đàn trâu toàn tỉnh đến tháng 3/2018 ước tính 142.397 con, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 291.449 con, tăng 8,2%; đàn lợn 608.320 con, tăng 0,7%; đàn gia cầm 6.446 nghìn con, tăng 6,3%.

Sản lượng sản phẩm thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 3 ước đạt 384 tấn, thịt bò 423 tấn, thịt lợn 3.250 tấn, thịt gia cầm 887 tấn, sản lượng sữa tươi 7.250 tấn, trứng gia cầm 5.342 nghìn quả. Tính chung quý I, sản lượng sản phẩm thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1.309 tấn, tăng 3,1%; thịt bò 1.461 tấn, tăng 2,2%; thịt lợn 11.287 tấn, tăng 0,3%; thịt gia cầm 2.885 tấn, tăng 2,6%; sản lượng sữa tươi 21.685 tấn, tăng 11,7%; trứng gia cầm 16.052 nghìn quả, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý xảy ra dịch lở mồm long móng trên địa bàn huyện Yên Châu, Phù Yên, Bắc Yên và Sông Mã làm 1.570 con gia súc mắc bệnh, chết 02 con. Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm được 345 liều vắc xin THT trâu, bò; 114.492 liều vắc xin lở mồm long móng; 4.400 liều vắc xin Niu cát xơn. Công tác kiểm dịch xuất và nhập gia súc, gia cầm đuợc kiểm soát chặt chẽ đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý nhanh các trường hợp mắc bệnh, tránh dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp 3 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào chăm sóc cây giống và chuẩn bị cho trồng rừng vụ xuân năm nay. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm Lâm, toàn tỉnh đã ươm được 5.939 nghìn cây giống các loại và khảo sát được 1.747 ha địa bàn đảm bảo thực hiện trồng rừng; kết quả ra quân trồng cây phân tán nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất đạt 61,5 nghìn cây các loại, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Sản lượng gỗ khai thác tháng 3 ước tính đạt 2.452 m3, giảm 10,7%; củi khai thác ước đạt 99.670 ste, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm nay, sản lượng gỗ khai thác đạt 7.535 m3, giảm 6,3%; củi khai thác đạt 303.530 ste, giảm 1,3% so với cùng kỳ.

Trong tháng xảy ra 32 vụ vi phạm lâm luật với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước 246 triệu đồng. Tính chung quý I, toàn tỉnh xảy ra 85 vụ vi phạm lâm luật với số tiền phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước 577 triệu đồng, trong đó cháy rừng 01 vụ với diện tích rừng thiệt hại 4,1 ha; chặt phá rừng 32 vụ với diện tích 2,9 ha; so với cùng kỳ năm trước số vụ vi phạm lâm luật giảm 15,0%, số tiền phạt vi phạm hành chính tăng 112,9%.

3. Thuỷ sản

Toàn tỉnh hiện có 2.701 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, 9.037 lồng bè nuôi trồng thủy sản với thể tích 762.830 m3. So với cùng kỳ năm trước diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng 0,1%, số lồng bè tăng 3,2 lần, thể tích tăng 2,1 lần.

Sản lượng thuỷ sản tháng 3 ước tính đạt 693 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 603 tấn, khai thác 90 tấn. Tính chung quý I, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.161 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng 1.889 tấn, tăng 7,0%; khai thác 272 tấn, giảm 2,2%.

Sản lượng giống thủy sản tính đến tháng 3/2018 đạt 17 triệu con, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 ước tính giảm 0,7% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành sản xuất và phân phối điện giảm 12,6%; cung cấp nước và xử lý, rác thải, nước thải giảm giảm 0,5%, riêng 02 ngành có chỉ số sản xuất tăng là ngành khai khoáng tăng 7,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Tính chung quý I năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đóng góp lớn nhất là ngành sản xuất và phân phối điện, tăng 19,9% (chủ yếu do sản lượng điện của nhà máy thủy điện Sơn La tăng 22,3% và chiếm tỷ trọng lớn với 71,0% sản lượng điện trên địa bàn tỉnh); ngành khai khoáng tăng 8,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; riêng ngành cung cấp nước và xử lý, rác thải, nước thải giảm 0,1%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 53,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 20,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 19,9%; khai khoáng khác tăng 8,6%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,7%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,1%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,1%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu giảm 3,7%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 29,2%; sản xuất đồ uống giảm 34,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 50,7%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Mật đường tăng 41,4%; xi măng tăng 20,4%; điện sản xuất tăng 19,9%; đường tăng 15,6%; đá xây dựng các loại tăng 8,6%; sản phẩm in khác tăng 6,2%; sữa chua, sữa và kem lên men hoặc axít hoá tăng 5,9%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Nước uống được tăng 0,1%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế giảm 1,3%; sữa và kem chưa cô đặc, chưa pha thêm đường và chất ngọt khác giảm 2,2%; điện thương phẩm giảm 8,3%; phân vi sinh giảm 20,2%; nước tinh khiết giảm 29,5%; bia hơi giảm 37,0%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 40,7%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2018 tăng 24,6% so với tháng trước và giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 5,8 lần; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 2,4 lần; in, sao chép bản ghi các loại tăng 10,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,9%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 2,8%; sản xuất đồ uống giảm 25,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 38,6%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2018 tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 33,1%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 90,7%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều mức tăng chung: Sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 7,7 lần; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 129,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 113,6%.

III. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 3 toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 374,0 tỷ đồng, giảm 47,1% về số doanh nghiệp và tăng 25,8% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 20,8 tỷ đồng, tăng 137,7%. Tính chung quý I năm nay, toàn tỉnh có 55 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 932,3 tỷ đồng, giảm 27,6% về số doanh nghiệp và tăng 8,6% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,9 tỷ đồng, tăng 188,3%. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động là 27 doanh nghiệp, tăng 35,0%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 07 doanh nghiệp, tăng 133,3% so với cùng kỳ.

IV. HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ

1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 3 ước tính đạt 1.579.253 triệu đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành hàng so với cùng kỳ năm trước đều tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 12,4%; ô tô các loại tăng 12,0%; xăng, dầu các loại tăng 11,8%; lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 9,8%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 9,2%; các nhóm ngành hàng khác tăng từ 4,4% đến 8,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 4.709.747 triệu đồng, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 15,9%; lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; hàng hóa khác tăng 9,6%; các nhóm ngành hàng khác tăng từ 4,5% đến 8,8%.

2. Doanh thu hoạt động dịch vụ

Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 3 ước tính đạt 433.704 triệu đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 13.685 triệu đồng, tăng 10,2% và tăng 8,7%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 136.658 triệu đồng, tăng 3,7% và tăng 10,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 418 triệu đồng, tăng 1,2% và giảm 63,1% (chủ yếu do công ty TNHH một thành viên Thương mại, du lịch Sầm Nưa và công ty TNHH một thành viên Du lịch Chiềng Khoa hiệu quả kinh doanh thấp, chuyển sang hoạt động ngành nghề khác); doanh thu dịch vụ khác đạt 282.943 triệu đồng, tăng 0,4% và tăng 5,9%.

Tính chung quý I năm nay, doanh thu hoạt động dịch vụ đạt 1.290.090 triệu đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ lưu trú tăng 7,4%; ăn uống tăng 9,5%; du lịch lữ hành giảm 66,4%; dịch vụ khác tăng 5,7%.

3. Vận tải hành khách và hàng hoá

Vận tải hành khách và hàng hóa trên các tuyến ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân. Vận tải hành khách tháng 3 ước tính đạt 300 nghìn lượt khách và 27.401 nghìn lượt khách.km, so với tháng trước giảm 2,4% và giảm 2,0% (sau Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh), so với cùng kỳ năm trước tăng 7,4% và tăng 8,3%. Tính chung quý I, vận tải hành khách ước đạt 913 nghìn lượt khách, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước và 84.834 nghìn lượt khách.km, tăng 5,1%, trong đó vận tải hành khách đường bộ ước đạt 840 nghìn lượt khách, tăng 4,9% và 84.095 nghìn lượt khách.km, tăng 5,1%.

Doanh thu vận tải hành khách tháng 3 ước tính đạt 26.214 triệu đồng, giảm 1,8% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, doanh thu vận tải hành khách đạt 80.671 triệu đồng, tăng 6,3%, trong đó doanh thu vận tải hành khách đường bộ 78.169 triệu đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Vận tải hàng hóa tháng 3 ước tính đạt 400 nghìn tấn và 44.736 nghìn tấn.km, so với tháng trước tăng 4,5% và tăng 4,4% (sau Tết nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và các công trình xây dựng cơ bản tăng cao), so với cùng kỳ năm trước tăng 8,2% và tăng 9,4%. Tính chung quý I, vận tải hàng hóa đạt 1.172 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước và 132.079 nghìn tấn.km, tăng 5,9%, trong đó vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 1.157 nghìn tấn, tăng 5,6% và 131.716 nghìn tấn.km, tăng 5,9%.

Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 3 ước tính đạt 135.739 triệu đồng, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm nay, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 401.758 triệu đồng, tăng 8,1%, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa đường bộ 400.162 triệu đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3 ước tính đạt 3.932 triệu đồng, tăng 5,0% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 11.437 triệu đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bốc xếp hàng hóa đạt 58 triệu đồng, giảm 97,5%; doanh thu hoạt động khác 11.379 triệu đồng, tăng 42,5%.

4. Bưu chính viễn thông

Hoạt động bưu chính viễn thông duy trì bảo đảm thông suốt, an toàn, chất lượng ngày một nâng lên, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh. Số thuê bao điện thoại toàn tỉnh có đến tháng 3/2018 ước tính đạt 947.044 thuê bao, giảm 5,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 898.242 thuê bao, giảm 5,1%; thuê bao cố định đạt 48.802 thuê bao, giảm 4,1%. Số thuê bao Internet ước đạt 71.695 thuê bao (trong đó phát triển mới 450 thuê bao), tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu bưu chính viễn thông ước đạt 204.000 triệu đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

V. VỐN ĐẦU TƯ

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I năm nay ước tính đạt 2.635.094 triệu đồng, đạt 18,2% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực nhà nước 852.152 triệu đồng, tăng 14,6%; khu vực ngoài nhà nước 1.781.942 triệu đồng, tăng 1,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.000 triệu đồng, cùng kỳ năm trước không phát sinh.

Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện 554.152 triệu đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn trung ương quản lý đạt 55.000 triệu đồng, tăng 3,1%; vốn địa phương quản lý đạt 499.152 triệu đồng, tăng 13,2%, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 384.657 triệu đồng, tăng 12,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 114.495 triệu đồng, tăng 14,5%.

Trong vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước 678.042 triệu đồng, tăng 4,3%; vốn đầu tư của dân cư 1.103.900 triệu đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản đạt 1.951.865 triệu đồng, tăng 5,4%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản 341.108 triệu đồng, tăng 7,3%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản cố định 227.537 triệu đồng, tăng 6,7%; vốn bổ sung vốn lưu động 93.885 triệu đồng, tăng 21,0% và vốn đầu tư khác 20.699 triệu đồng, giảm 45,7%.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I năm nay tăng khá so với cùng kỳ năm trước do tiến độ thực hiện các dự án đã được đẩy nhanh so với cùng kỳ, UBND các cấp đã chủ động xây dựng phương án và tiến hành phân bổ vốn sớm tạo điều kiện để các chủ đầu tư thực hiện các dự án được giao, tuy nhiên do trong kỳ có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên khối lượng thực hiện các dự án chưa nhiều, vốn đầu tư thực hiện so với kế hoạch năm đạt thấp. Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch vốn đầu tư năm 2018, cần tiếp tục rà soát, phân bổ kịp thời và tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đã được UBND tỉnh giao; các đơn vị được giao làm chủ đầu tư cần bám sát kế hoạch vốn, nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư theo quy định đối với các dự án có kế hoạch khởi công mới năm 2018; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện đối với các dự án chuyển tiếp, thực hiện các thủ tục tạm ứng, giải ngân và thanh quyết toán theo quy định.

VI. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG

1. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 3 ước tính đạt 1.663,8 tỷ đồng, tăng 70,3% so với tháng trước và tăng 98,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 757,5 tỷ đồng, tăng 86,0% và tăng 2,0 lần; thu bổ sung từ ngân sách cấp trên 906,3 tỷ đồng, tăng 59,0% và tăng 54,4%.

Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tính đạt 3.664,2 tỷ đồng, bằng 27,4% so với dự toán năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 1.617,9 tỷ đồng, bằng 35,3% và tăng 117,1%; thu bổ sung từ ngân sách cấp trên 2.046,3 tỷ đồng, bằng 23,3% và giảm 30,3%. Trong thu cân đối ngân sách nhà nước, thu nội địa ước đạt 1.200,0 tỷ đồng, bằng 27,0% và tăng 93,5%; thu hải quan ước đạt 13,2 tỷ đồng, bằng 36,5% và giảm 55,8%.

Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 3 ước tính đạt 1.029,4 tỷ đồng, giảm 16,2% so với tháng trước và tăng 20,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 2.905,0 tỷ đồng, bằng 22,2% dự toán năm và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và nhiệm vụ phát sinh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cụ thể: Chi thường xuyên đạt 1.951,1 tỷ đồng, bằng 21,8% và tăng 13,2%; chi đầu tư phát triển đạt 539,9 tỷ đồng, bằng 35,0% và tăng 10,4%; chi chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ mục tiêu đạt 198,0 tỷ đồng, bằng 20,0% và tăng 121,3%.

2. Thu chi tiền mặt qua quỹ ngân hàng, tín dụng

Hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn ổn định, tổng thu tiền mặt qua quỹ ngân hàng quý I ước thực hiện 25.776 tỷ đồng, tổng chi tiền mặt ước thực hiện 26.208 tỷ đồng, bội chi 432 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước tổng thu tiền mặt tăng 11,6%, tổng chi tiền mặt tăng 12,7%.

Dư nợ tín dụng ước đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dư nợ ngắn hạn ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 20,8%; dư nợ trung dài hạn ước đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 14,1%. Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay các đối tượng chính sách đến 28/02/2018 là 3.510 tỷ đồng, chiếm 11,9%; nợ xấu toàn địa bàn là 382 tỷ đồng, chiếm 1,3%.

Huy động vốn tại địa phương ước đến hết tháng 3 đạt 15.700 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tiền gửi tiết kiệm 12.600 tỷ đồng, tăng 15,7%; tiền gửi các tổ chức kinh tế 3.000 tỷ đồng, tăng 11,0%; tiền gửi giấy tờ có giá 100 tỷ đồng, tăng 102,8%.

VII. XUẤT, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA

1. Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3 ước tính đạt 302,9 nghìn USD, giảm 19,3% so với tháng trước, giảm chủ yếu ở mặt hàng chè xuất khẩu đạt 214,5 nghìn USD, giảm 26,6%; xuất khẩu lõi ngô ép không phát sinh; bên cạnh đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng như: Xuất khẩu ngô giống đạt 84,6 nghìn USD, tăng 20,0%; xuất khẩu xi măng đạt 3,8 nghìn USD, tăng 72,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 tăng 88,6%, chủ yếu do xuất khẩu chè tăng 90,3% (mặt hàng này chiếm tỷ trọng lớn với 70,8% trong kim ngạch xuất khẩu); xuất khẩu ngô giống tăng 91,0%; xuất khẩu xi măng tăng 5,6%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu trong tháng: Apganixtan, Lào, Đài Loan.

Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.181,0 nghìn USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do xuất khẩu ngô giống đạt 225,6 nghìn USD, tăng 95,2%; xuất khẩu tơ tằm đạt 112,2 nghìn USD, cùng kỳ năm trước không phát sinh; tuy nhiên có một số mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh như xuất khẩu chè đạt 808,6 nghìn USD, giảm 14,5%; xuất khẩu lõi ngô ép đạt 21,2 nghìn USD, giảm 11,7%; xuất khẩu xi măng đạt 13,4 nghìn USD, giảm 22,1%. Thị trường xuất khẩu 3 tháng đầu năm, Apganixtan là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 782,0 nghìn USD; tiếp đến là Lào đạt 239,0 nghìn USD; Ấn Độ đạt 112,2 nghìn USD; Đài Loan đạt 26,6 nghìn USD; Hàn Quốc 21,2 nghìn USD.

2. Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 1.552,1 nghìn USD, tăng 16,2% so với tháng trước, trong đó các mặt hàng nhập khẩu đều tăng, nhập khẩu phân bón tăng 25,0%; nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 17,4%; nhập khẩu cỏ Anphapha tăng 1,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 giảm 21,1%, chủ yếu do nhập khẩu phân bón giảm 72,9%; nhập khẩu máy móc thiết bị giảm 4,7% (mặt hàng này chiếm tới 81,8% trong kim ngạch nhập khẩu); nhập khẩu cỏ Anphapha giảm 1,9%.

Tính chung quý I, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 4.032,1 nghìn USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhập khẩu phân bón giảm 41,8%; bên cạnh đó một số mặt hàng nhập khẩu tăng như: Nhập khẩu cỏ Anphapha tăng 5,6%; nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 3,1%.

VIII. CHỈ SỐ GIÁ

1. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 so với tháng trước giảm 0,43%, trong đó khu vực thành thị giảm 0,41%, khu vực nông thôn giảm 0,44%, do sau Tết nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của nhân dân giảm mạnh. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, 04 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,05% (lương thực giảm 0,66%; thực phẩm giảm 1,39%); giao thông giảm 0,53% (chủ yếu do nhóm hàng xăng, dầu giảm 1,31% theo Quyết định điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 21/02/2018 của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, bình quân giá xăng giảm 282 đồng/lít; dầu giảm 180 đồng/lít); văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,14% (chủ yếu do hoa tươi sau Tết giảm mạnh 16,1%); hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01% (chủ yếu do đồ trang sức giảm 0,34% bởi ảnh hưởng của giá vàng trong nước giảm). 02 nhóm có chỉ số giá tăng: Nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,09% (chủ yếu do giá vật liệu xây dựng tăng); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tương đương tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 1,00% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Thực hiện Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 về việc Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 01/01/2018; thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ; thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết số 54/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh; giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng mạnh 2 lần và giảm nhẹ 1 lần làm cho giá xăng dầu bình quân quý I tăng 3,81% so với cùng kỳ năm trước; giá vật liệu xây dựng tăng 2,02% do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2018 tăng 0,26% so với tháng 12/2017 và tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo tháng 4/2018 giá cả thị trường tăng nhẹ.

2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 3/2018 giảm 0,45% so với tháng trước, tăng 0,80% so với tháng 12/2017 và giảm 0,16% so với cùng kỳ năm trước, giá vàng 99,99% bán ra bình quân trong tháng là 3.684.400 đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2018 tăng 0,20% so với tháng trước, tăng 0,16% so với tháng 12/2017 và giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước.

IX. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số

Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2017 đạt 1.226,0 nghìn người, tăng 1,5% (17,7 nghìn người) so với cùng kỳ năm trước, bao gồm dân số thành thị 167,3 nghìn người, chiếm 13,6%; dân số nông thôn 1.058,7 nghìn người, chiếm 86,4%; dân số nam 616,8 nghìn người, chiếm 50,3%; dân số nữ 609,2 nghìn người, chiếm 49,7%. Tỷ suất sinh thô 17,9‰; tỷ suất chết thô 4,0‰; tỷ lệ tăng tự nhiên 13,9‰.

2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Đời sống công chức, viên chức và người hưởng bảo hiểm xã hội ổn định, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động khu vực nhà nước 4.100 nghìn đồng, khu vực doanh nghiệp nhà nước 5.600 nghìn đồng, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 3.800 nghìn đồng và doanh nghiệp ngoài nhà nước 3.400 nghìn đồng.

Đời sống dân cư nông thôn được cải thiện nhưng còn thiếu bền vững, tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn xảy ra, cao điểm trong tháng 02/2018 trên địa bàn tỉnh có 6/12 huyện, thành phố xảy ra thiếu đói giáp hạt là huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc châu với 5.276 hộ và 22.288 nhân khẩu, chiếm 1,92% số hộ và 1,82% số nhân khẩu toàn tỉnh, những hộ thiếu đói chủ yếu là thiếu gạo, không có đói gay gắt; UBND các huyện đã hỗ trợ 290,79 tấn gạo, còn lại dân tự vay nhau để khắc phục thiếu đói.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh năm 2017: Số hộ nghèo chiếm 29,22%, trong đó thành thị chiếm 3,24%, nông thôn 34,05%; hộ cận nghèo chiếm 11,23%.

Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cho vay vốn phát triển sản xuất, cho vay hỗ trợ lãi suất, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên nghèo và các đối tượng chính sách tiếp tục được các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện. Năm 2018 UBND tỉnh tiếp tục đầu tư từ nguồn ngân sách cho các chương trình trọng điểm 340 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện các chương trình cho vay đối với 1.219 lượt hộ với tổng số tiền 35.189 triệu đồng. Công tác an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán được quan tâm, tổng số suất quà đã trao tặng 39.083 suất với tổng trị giá 15.453 triệu đồng; tỉnh đã hỗ trợ 148,81 tấn gạo cho các hộ có nguy cơ đói trong dịp Tết Nguyên đán.

Cũng tính từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và chuyển giao quà tặng của UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ xây nhà ở cho 50 hộ, trị giá 02 tỷ đồng và UBMTTQ Thành phố Hồ Chí Minh với 1.000 suất quà, trị giá 300 triệu đồng cho các đối tượng nghèo bị thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh; Ban vận động "Vì người nghèo" Trung ương tặng 33 con bò giống sinh sản cho 33 hộ gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn; Hội bảo trợ tàn tật trẻ mồ côi tỉnh trao tặng 39 xe lăn, trị giá 93 triệu đồng cho 39 người khuyết tật và 164 xe lăn, trị giá 246 triệu đồng cho 164 học sinh mồ côi và khuyết tật nhẹ; tặng 10.000 chiếc ghế cho nhà văn hóa dân cư các xã vùng biên giới; 200 suất học bổng, trị giá 100 triệu đồng cho học sinh trường PTDT nội trú; phối hợp với UBND các huyện Sốp Cộp, Phù Yên, Mộc Châu, Thuận Châu, Mường La làm nhà tình thương trợ giúp 12 người khuyết tật và khó khăn về nhà ở trị giá 439 triệu đồng; phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao 20 suất học bổng và quà trị giá 26 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xã biên giới của huyện Vân Hồ; công ty TNHH nhân thọ AIA Việt Nam trao tặng 30 xe đạp và quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chương trình "Hành chính cuộc sống" năm 2018.

Công tác dạy nghề tính đến 15/3 đã tuyển sinh đào tạo được 393 học viên, tốt nghiệp 495 người; tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.101 lượt người, cung ứng 67 lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; thông tin thị trường lao động cho 63.206 lượt người, cung cấp thông tin việc tìm người lên Website cho 2.594 người tiếp cận và thông tin người tìm việc cho 119 hồ sơ; xuất khẩu lao động 02 người sang thị trường Hàn Quốc; chuyển đổi và tạo việc làm mới cho khoảng 4.800 lao động.

Thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh có 188/188 xã, trong đó 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 08 xã đạt 15-18 tiêu chí; 34 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 130 xã đạt từ 5-9 tiêu chí.

3. Giáo dục và đào tạo

Trong quý I/2018, ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2017 - 2018; tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT tại tỉnh, có 48 học sinh tham dự, 10 học sinh đạt giải; tổ chức kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh với 858 học sinh dự thi và 370 thí sinh đạt giải; tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, công nhận 02 giải nhất, 04 giải nhì, 18 giải ba và 32 giải khuyến khích, lựa chọn 06 dự án tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia, kết quả 01 dự án đạt giải Nhì, 02 dự án đạt giải phụ.

Kết thúc học kỳ I năm học 2017 - 2018, kết quả chất lượng giáo dục các cấp học trong tỉnh có chuyển biến tốt, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực, văn hóa khá, giỏi tăng so với năm học trước, cụ thể: Đối với cấp mầm non, 100% trẻ được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non. Đối với cấp tiểu học, môn tiếng Việt hoàn thành tốt 27,6%, hoàn thành 68,6%, chưa hoàn thành 3,8%; môn Toán hoàn thành tốt 32,5%, hoàn thành 64,1%, chưa hoàn thành 3,4%. Đối với cấp trung học cơ sở, 7,1% xếp loại học lực giỏi; 39,3% học lực khá; 50,6% học lực trung bình; 3,0% học lực yếu, kém. Đối với cấp trung học phổ thông: 6,3% học lực giỏi; 46,6% học lực khá; 45,2% học lực trung bình; 1,9% học lực yếu, kém. Đối với giáo dục thường xuyên: 0,4% học lực giỏi; 18,5% học lực khá; 73,5% học lực trung bình; 7,6% học lực yếu, kém.

4. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Ngành Y tế tăng cường chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt việc theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, dịch sởi, tiêu chảy cấp, cúm A(H7N9)... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội 2018. Trong quý xảy ra 01 vụ dịch quai bị với 21 ca mắc bệnh; 41 người nhiễm HIV; 21 trường hợp tử vong do AIDS; 325 trường hợp ngộ độc thực phẩm, không có tử vong.

Chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt công tác khám, điều trị, cấp cứu, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong quý tổng số lượt khám bệnh tại các cơ sở y tế là 347.559 lượt; số bệnh nhân điều trị nội trú 40.244 người; số bệnh nhân điều trị ngoại trú 189.950; số bệnh nhân chuyển tuyến 20.162 lượt, trong đó chuyển về Trung ương 1.743 lượt. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực y tế. Triển khai Chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán từ ngày 10/01/2015 đến 30/3/2015; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết; đặc biệt lưu ý các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm phục vụ tết như: bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, thực phẩm chế biến sẵn (giò, chả, nem chạo, ...), kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chất phụ gia trong chế biến thực phẩm, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương nhằm giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp tết. Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô lớn, tại các chợ đầu mối, các điểm diễn ra những hoạt động văn hóa (hoạt động mừng xuân Ất Mùi, hội chợ xuân…).

5. Văn hóa, thông tin, thể thao

Tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuyên truyền công tác trồng và bảo vệ rừng, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ma túy, phòng chống tham nhũng, lãng phí...

Trong quý I/2018 đã phục vụ chiếu phim 934 buổi cho 377.000 lượt người xem; tuyên truyền 36 buổi phục vụ trên 36.000 lượt người nghe, xem; phục vụ 91.790 lượt khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh và các điểm di tích; tổ chức các chương trình nghệ thuật "Sắc xuân Sơn La" và "Bản tình ca bên Sông Đà", "Hoa đào vùng cao", "Bản tình ca mùa xuân", "Khúc giao mùa", "Vì biển đảo thân yêu", mừng Đảng, mừng xuân 2018 và kỷ niệm 50 năm chiến thắng Mậu Thân; tổ chức Gameshow "Về bản em" tại các huyện, thành phố; trưng bày triển lãm 180 ảnh tư liệu chủ đề: "Biển đảo và người chiến sỹ Hải quân; Sơn La chung sức xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo của Tổ quốc"; triển lãm ảnh tuyên truyền kỷ niệm 50 năm "cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - bước ngoặt lịch sử" tại Trung tâm Văn hóa tỉnh; triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại huyện Mường La, Mai Sơn và Yên Châu; tổ chức thành công tuần văn hóa, thể thao và du lịch tại huyện Quỳnh Nhai; trao Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ Pang A của người La Ha.

Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Sơn La lần thứ VIII năm 2018; tổ chức thành công giải bóng chuyền nam, nữ (môn thi đấu trước Đại hội).

Duy trì công tác huấn luyện, quản lý các đội tuyển tỉnh (36 VĐV), đội năng khiếu (30 VĐV), đội tuyển tập trung tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh (56 VĐV).

Phát thanh tiếng phổ thông thực hiện 276 chương trình, sử dụng 1.738 tin, bài, phóng sự và 290 chuyên đề, chuyên mục; tiếng dân tộc 360 chương trình, sử dụng 1.677 tin, bài, phóng sự, gương người tốt, việc tốt, 300 chuyên đề, chuyên mục.

Truyền hình tiếng phổ thông thực hiện 815 chương trình, sử dụng 3.038 tin, bài, phóng sự, gương người tốt, việc tốt và 675 chuyên đề, chuyên mục; tiếng dân tộc 204 chương trình, sử dụng 1.607 tin, bài, phóng sự, gương người tốt, việc tốt, 102 chuyên đề, chuyên mục; 24 chương trình cộng tác với VTV.

6. Công tác phòng chống ma tuý

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 2968 đến ngày 15/3/2018 toàn tỉnh có 8.823 người nghiện ma tuý đang trong diện quản lý, trong đó có 1.789 người đang cai nghiện tập trung tại các Trung tâm giáo dục lao động (1.764 trường hợp cưỡng chế, 08 tự nguyện, 17 hỗ trợ cắt cơn), 06 người đang quản lý tại cơ sở quản lý sau cai, 1.362 người đang điều trị bằng Methadone.

Trong quý I, toàn tỉnh phát hiện, bắt giữ 300 vụ, 405 đối tượng; triệt xoá 32 điểm, 34 đối tượng có liên quan đến ma tuý; vận động, bắt 03 đối tượng truy nã về ma tuý. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 16 điểm, 67 đối tượng có biểu hiện bán lẻ, chứa chấp, tổ chức sử dụng ma túy ở 38 tổ, bản thuộc 25 xã, thị trấn.

7. An toàn giao thông

Trong tháng (từ 16/2 đến 15/3), trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn, va chạm giao thông làm chết 12 người và bị thương 17 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn tăng 07 vụ, số người chết tăng 08 người, số người bị thương tăng 01 người.

Tính chung 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 37 vụ tai nạn, va chạm giao thông làm chết 27 người và bị thương 26 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn tăng 02 vụ, số người chết tăng 07 người, số người bị thương giảm 08 người.

8. Thiện hại do thiên tai

Trong 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rét đậm, rét hại cùng mưa đá, gió lốc gây thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhân dân, cụ thể: 03 người bị thương; 01 ha lúa, 13 ha hoa màu, 210 ha cây ăn quả bị hư hỏng; 16.901 cây ăn quả và cây cà phê bị gãy đổ; 1.177 con gia súc, gia cầm chết (trâu, bò 677 con, lợn 225 con, dê 61 con, gia cầm 214 con); 110 lồng bè và 14,2 tấn thủy sản bị thiệt hại; 1.804 nhà ở bị tốc mái; 06 điểm trưởng, trụ sở cơ quan, nhà văn hóa bị hư hại... ước giá trị thiệt hại 23.918 triệu đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mộc Châu đã hỗ trợ 02 gia đình tại xã Hua Păng có nhà bị sập, hư hỏng nặng mỗi hộ 05 triệu đồng.

9. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Trong tháng 02/2018, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 24 vụ với 24 đối tượng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, khai thác khoáng sản trái phép, hủy hoại rừng... Tính chung quý I năm nay đã phát hiện, xử lý 102 vụ với 101 đối tượng vi phạm các quy định trên.

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ cháy, nổ làm 01 người chết, thiệt hại ước tính 234 triệu đồng. Tính chung quý I, xảy ra 10 vụ cháy, nổ làm 01 người chết, thiệt hại ước tính 1.633 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy, nổ giảm 28,6%, số người chết tương đương và thiệt hại ước tính giảm 32,5%.

Khái quát lại, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh quý I năm 2018 mặc dù gặp khó khăn nhưng có chuyển biến tích cực; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được duy trì ổn định; hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện; thị trường hàng hoá phát triển, cân đối cung cầu và lưu thông hàng hoá thông suốt; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập; các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên bên cạnh kết quả quan trọng đạt được, kinh tế của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu; năng suất lao động và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế chưa đạt hiệu quả cao; thu ngân sách đạt thấp so với dự toán giao; tiến độ triển khai thực hiện một số chương trình, dự án, giải ngân thanh toán một số nguồn vốn còn chậm, chính sách thu hút đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, việc huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa còn hạn chế; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới và vùng tái định cư còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn xảy ra với số hộ và số nhân khẩu thiếu đói tăng so với cùng kỳ năm trước; cuộc sống nhân dân vùng lũ tuy đã ổn định bước đầu song vẫn cần tập trung nguồn lực để khôi phục cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống sản xuất, nhất là các huyện Mường La, Phù Yên, Vân Hồ.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2018, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn các đơn vị được giao làm chủ đầu tư xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân cho đầu tư phát triển; tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông sản địa phương; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống./.

Cục Thống kê tỉnh Sơn La

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1