Thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông - lâm nghiệp: Hướng đi tất yếu cho phát triển bền vững vùng Tây Bắc
18/07/2025
(sonla.gov.vn) Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với ngành nông - lâm nghiệp, đặc biệt là ở khu vực miền núi như Tây Bắc - nơi mà sinh kế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào đất đai, rừng và điều kiện thời tiết. Những năm gần đây, Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan: mưa đá, lũ quét, hạn hán kéo dài, nền nhiệt tăng cao bất thường... làm gia tăng rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, gây suy thoái đất, suy giảm đa dạng sinh học và làm mất sinh kế của hàng nghìn hộ dân.
Trong bối cảnh đó, thích ứng với biến đổi khí hậu không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu cấp bách và bắt buộc để bảo vệ sinh kế, đảm bảo an ninh lương thực và gìn giữ hệ sinh thái rừng bền vững.
Chuyển đổi tư duy - Hướng tới nông lâm nghiệp bền vững
Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp vùng núi Tây Bắc - giai đoạn 2” được triển khai từ tháng 8/2024 đến tháng 12/2026 tại một số xã thuộc huyện Thuận Châu cũ, tỉnh Sơn La, là một ví dụ tiêu biểu cho cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu trong thích ứng biến đổi khí hậu.
Với ba mục tiêu trọng tâm: (1) Tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nông - lâm nghiệp; (2) Thúc đẩy tích lũy, lưu trữ carbon; (3) Gắn kết thích ứng khí hậu với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dự án đang tạo ra những chuyển biến đáng ghi nhận.
Mô hình canh tác khoai sọ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, người dân được hướng dẫn áp dụng các mô hình canh tác thích ứng khí hậu như: Canh tác không làm đất, trồng luân canh - xen canh cây ngắn ngày với cây dài ngày, sử dụng giống cây chịu hạn, chuyển đổi mùa vụ phù hợp với biến động thời tiết. Các mô hình nông nghiệp thông minh khí hậu (CSA - Climate Smart Agriculture) cũng từng bước được giới thiệu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ở lĩnh vực lâm nghiệp, các hoạt động như trồng rừng gỗ lớn, phục hồi rừng đầu nguồn, quản lý rừng cộng đồng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) được triển khai rộng khắp. Đồng thời, dự án còn thúc đẩy trồng các loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao như sơn tra, dổi, mắc ca… vừa giúp lưu giữ carbon, vừa tạo sinh kế ổn định cho người dân vùng cao.
Lồng ghép thích ứng khí hậu vào phát triển kinh tế địa phương
Điểm nổi bật của dự án là gắn thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông - lâm nghiệp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cấp địa phương. Các mô hình được triển khai không chỉ dừng ở thí điểm mà còn được tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xanh.
Các xã thuộc vùng dự án ở Thuận Châu đã thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị. Đây là tiền đề để người dân làm quen với cách làm nông nghiệp quy mô hàng hóa, thân thiện với môi trường và có khả năng ứng phó linh hoạt trước rủi ro khí hậu.
Thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ là câu chuyện về cây trồng, đất đai, khí tượng - mà còn là câu chuyện về con người, về những thay đổi trong tư duy và cách thức hành động. Khi người nông dân Tây Bắc biết cách trồng rừng để giữ đất, giữ nước, trồng ngô không làm đất để giữ ẩm, hay biết cách tính toán vụ mùa dựa trên dự báo thời tiết - thì đó chính là lúc quá trình thích ứng đã bắt đầu từ gốc rễ…
Quốc Tuấn