Phát triển kinh tế tư nhân
(sonla.gov.vn)  Ngày 04/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030 kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, nâng cao nhận thức về kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển xanh. Các giải pháp này, được cụ thể hóa qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để triển khai.

Tại Sơn La, ngày 07/7/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp, thu hút hơn 50.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 9-10 triệu đồng/tháng. Nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu mỗi năm khu vực này đóng góp tối thiểu 8% vào GRDP; 25% vào tổng thu ngân sách tỉnh, với tổng thu giai đoạn 2025 - 2030 đạt ít nhất 9.414 tỷ đồng.

Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong nước và khu vực; một bộ phận doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Có trên 10.000 doanh nghiệp duy trì hoạt động; khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), là động lực quan trọng của nền kinh tế, kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.942 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 70.733 tỷ đồng, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thương mại, nông nghiệp và du lịch. Khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh đóng góp 55% GRDP, 60% thu ngân sách và tạo việc làm cho 110.000 lao động. Doanh nghiệp ngày càng năng động, chuyển dịch cơ cấu, xuất hiện nhiều dự án lớn, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số. Tuy vậy, hơn 80% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có nguồn vốn hạn chế, nhân lực chưa đồng đều, liên kết yếu; một số chính sách hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả.

Với mục tiêu chung, tỉnh sẽ hình thành một số doanh nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu, uy tín trong và ngoài nước; xây dựng doanh nghiệp dẫn dắt các ngành then chốt; phát triển chuỗi giá trị bền vững trong công nghiệp chế biến, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có năng lực cạnh tranh. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%/năm.

Để đạt được mục tiêu phấn đấu mỗi năm khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tối thiểu 8% vào GRDP cần phải đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Có thể thấy rằng Nghị quyết số 68-NQ/TW là văn kiện đột phá, tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, với 5 quan điểm, 8 giải pháp cụ thể. Trong đó, quan điểm nổi bật: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong phát triển đất nước; doanh nhân là “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế, đóng vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển; vai trò lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, hiệu quả.

Nguyễn Hạnh

 

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1