Nâng cao chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non
(sonla.gov.vn) Trong những năm gần đây, chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh đặc biệt được quan tâm. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành hệ thống văn bản để hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. 
anh tin bai
Nâng cao chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non.

Với mục đích đẩy mạnh công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn tỉnh Sơn La, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong việc thực hiện tổ chức bữa ăn cho trẻ tại cơ sở GDMN về xây dựng chế độ ăn, khẩu phần ăn, xây dựng thực đơn hàng ngày, theo tuần, theo mùa đảm bảo “Ngon, an toàn, đủ dinh dưỡng và hấp dẫn”; cách lựa chọn các thực đơn đảm bảo khẩu phần ăn phù hợp với độ tuổi của trẻ có chất lượng để nhân rộng, góp phần làm phong phú khẩu phần, thực đơn của các cơ sở GDMN trong toàn tỉnh; nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường và phụ huynh về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non. Đồng thời, tạo cơ hội cho các giáo viên, nhân viên cấp dưỡng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng về việc tổ chức bữa ăn khoa học, hợp lý cho trẻ mầm non; tiếp tục đổi mới hình thức, triển khai có hiệu quả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, phát huy hiệu quả Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021-2025” bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Phát huy sự sáng tạo trong việc chế biến các món ăn dinh dưỡng, đa dạng và phù hợp với khẩu vị của trẻ, đảm bảo đầy đủ các nhóm thực phẩm cần thiết. Đẩy mạnh thực hiện chủ đề giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ em thông qua việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh, khoa học, hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.

Trong giai đoạn 2018 - 2025, các cơ sở GDMN đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của Chương trình GDMN. Quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn tại trường, lớp đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với cá nhân trẻ, không có trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ việc tổ chức bữa ăn bán trú và công trình vệ sinh, nước sạch, nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ em đặc biệt trường ở vùng khó khăn. Chú trọng đến các hoạt động vệ sinh, đẩy mạnh giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm 100% trẻ em đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới. Phối hợp với gia đình xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý đối với trẻ để phòng chống suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì; đa dạng các hình thức tuyên truyền đến các bậc cha mẹ trẻ về chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và phòng chống dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025 đạt hiệu quả; mạng lưới GDMN đã được củng cố, hoàn thiện và từng bước phát triển; toàn thành phố có 227 trường mầm non (trong đó 217 công lập, 10 tư thục); tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 39,07% (tăng 4,07% so với chỉ tiêu Chính phủ); tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 99,4% (tăng 4,4% so với chỉ tiêu Chính phủ); trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia đạt 72,7% (tăng 22,7% so với chỉ tiêu Chính phủ). Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; chất lượng đội ngũ đáp ứng thực hiện chương trình, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Luật giáo dục 2019 đạt 97%; có 305 giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục góp phần củng cố thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo đáp ứng thực hiện đề án phát triển giáo dục mầm non trong tình hình mới.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh chỉ đạo Ngành Giáo dục khuyến khích các cơ sở giáo dục tiếp cận các hình thức dạy học hiện đại; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp trong mỗi hoạt động. Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trẻ theo hướng phát triển năng lực. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận chung của khu vực và quốc tế trong quá trình xây dựng, cập nhật, phát triển chương trình GDMN và triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Tạo điều kiện thuận lợi để các trung tâm ngoại ngữ hoạt động trên địa bàn nhằm giúp trẻ và người dân có cơ hội được học tập nâng cao trình độ, thực hiện tốt việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Chú trọng việc tiếp cận với các phương pháp dạy học của các nước tiên tiến, triển khai tiếp cận giáo dục STEAM tại các cơ sở giáo dục mầm non. Xác định giáo dục mầm non là bước giáo dục cơ bản quan trọng nhất trong nền giáo dục, chất lượng giáo dục tốt ảnh hưởng đến cả một con người và cả xã hội. Do đó, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo, khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học mầm non, hướng tới các vấn đề về sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ em, các vấn đề về giáo dục trẻ em như mục đích, nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức, phương tiện, kết quả giáo dục, các lực lượng giáo dục, mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong GDMN, các vấn đề về quản lý GDMN. Kết quả, từ năm 2018 đến năm 2024, đối với cấp học mầm non có 15 sáng kiến của 22 tác giả (đồng tác giả) được công nhận hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh.

Với những giải pháp đồng bộ trên đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở GDMN được duy trì thường xuyên; tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng giảm so với đầu giai đoạn. 100% trẻ được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt; 100% trẻ 5 tuổi được đánh giá theo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.

Như Thủy

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1