Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu quy trình kỹ thuật đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ triển khai trên địa bàn tỉnh
(Sở KHCN) Chiều ngày 22/8/2024, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La tiến hành họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu quy trình kỹ thuật thâm canh rải vụ cho cây bưởi da xanh và cây xoài GL4 thuộc sản phẩm của đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu xác định kỹ thuật rải vụ phát triển một số chủng loại cây ăn quả có giá trị (xoài, bưởi, na) trên địa bàn tỉnh Sơn La phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”. Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng.

Đề tài: “Nghiên cứu xác định kỹ thuật rải vụ phát triển một số chủng loại cây ăn quả có giá trị (xoài, bưởi, na) trên địa bàn tỉnh Sơn La phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” do Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì, TS Nguyễn Văn Dũng làm chủ nhiệm. Trong đó, mục tiêu của đề tài là xây dựng được quy trình kỹ thuật thâm canh rải vụ cho cây bưởi da xanh và cây xoài GL4 tại Sơn La kéo dài thời gian thu hoạch 2 - 4 tháng, hiệu quả sản xuất tăng 15 - 20%; xây dựng mô hình thực nghiệm ứng dụng quy trình kỹ thuật thâm canh rải vụ thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất cho cây bưởi da xanh, cây xoài GL4 tại Sơn La với quy mô 01 ha, hiệu quả sản xuất tăng ≥ 15% so với sản xuất đại trà.

anh tin bai
Toàn cảnh hội nghị tư vấn đánh giá.

Để đưa ra được các quy trình kỹ thuật thâm canh rải vụ cho cây xoài GL4 và cây bưởi da xanh, nhóm thực hiện đề tài bố trí các thí nghiệm trên diện tích xoài GL4 trồng sẵn từ 7 - 8 năm tuổi tại 02 huyện Mai Sơn, Yên Châu, vườn bưởi chiết trồng từ 8 - 10 năm tuổi tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn để nghiên cứu kỹ thuật tác động đến khả năng rải vụ thu hoạch xoài GL4, khả năng sinh trưởng phát triển, khả năng đậu quả, giữ quả và cho năng suất của xoài GL4 rải vụ và các biện pháp tác động tới khả năng rải vụ thu hoạch của bưởi da xanh, một số công thức bón phân đến khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất của bưởi da xanh rải vụ, xác định hoạt chất, thời điểm phun thích hợp để phòng trừ sâu bệnh hại đối với bưởi da xanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Đối với cây xoài GL4 đã xác định được thời vụ xử lý Paclobutrazol (PBZ) vào thời điểm tháng 8 tại Yên Châu cho thời gian thu hoạch quả sớm từ 5 - 25/5; năng suất quả cho thu hoạch đạt 19,31 kg/cây. Thời vụ xử lý PBZ vào thời điểm tháng 10, kết hợp bẻ chùm hoa chính vụ trong tháng 2 tại Mai Sơn cho thời gian thu hoạch quả muộn từ 25/7 - 10/8; năng suất quả cho thu hoạch đạt 21,08 kg/cây. Công thức bón phân hiệu quả trên nền rải vụ thu hoạch muộn là: 5kg Phân hữu cơ vi sinh + 3kg NPK (5:10:3) + 3kg NPK (13:13:13) + 2kg bột đậu tương. Xác định KNO3 có tác dụng thúc đẩy quá trình ra hoa trên cây xoài GL4 khi đã được cảm ứng hình thành hoa; bổ sung chất điều tiết sinh trưởng và phân bón vi lượng (GA3 20ppm + PBL Bortrac) là hiệu quả trên nền rải vụ thu hoạch muộn. Mô hình thực nghiệm ứng dụng quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp rải vụ thu hoạch xoài GL4 tại Sơn La (quy mô 01 ha), hiệu quả sản xuất tăng 28%.

Đối với cây bưởi da xanh: Khoanh vỏ, tuốt lá có khả năng tạo quả rải rác từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau. Xử lý khoanh 3 lần khoanh/năm có hiệu quả nhất, cụ thể: lần 1 khoanh vào 20 đến 25 tháng 11 hàng năm, lần 2 khoanh vào 20 - 25 tháng 12, lần 3 khoanh vào 10 - 15 tháng 4. Độ mở vết khoanh là 0,3mm, chiều sâu vừa đủ chạm tới phần tượng tầng. Bón phân theo các công thức thử nghiệm có tác dụng rõ trong việc nâng cao khả năng sinh trưởng, năng suất của bưởi Da xanh trên nền rải vụ, trong đó công thức thử nghiệm có hiệu quả nhất gồm: 10 kg phân hữu cơ vi sinh + 5 kg NPK (12:5:10) + 3 kg đậu tương. Mô hình thử nghiệm quy trình rải vụ thu hoạch bưởi Da xanh tại Mai Sơn thể hiện rõ tính rải vụ thu hoạch, nâng cao tỷ lệ đậu quả, năng suất và làm tăng hiệu quả sản xuất năm 2023 lên gấp đôi so với đối chứng.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đã xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh rải vụ thu hoạch cho cây xoài GL4, cây bưởi da xanh, kéo dài thời gian thu hoạch quả từ 2 - 4 tháng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm áp lực thị trường, hạn chế rủi ro về giá cả, mở rộng khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp và người sản xuất. Đây là giải pháp cũng như hướng phát triển xoài, bưởi da xanh trước thách thức của biến đổi khí hậu đối với phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tỉnh Sơn La có địa hình chia cắt mạnh nên hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu, vì vậy đề tài cần nghiên cứu toàn diện các vùng trồng để có đánh giá cụ thể, sát với tình hình thực tiễn, đưa ra quy trình phù hợp, khuyến cáo cụ thể cho từng vùng có điều kiện khí hậu khác nhau, đồng thời cần nghiên cứu biện pháp, giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho cây xoài để canh tác xoài bền vững. Đối với quy trình bưởi cần nêu rõ chỉ tiêu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc thuốc có trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phòng trừ sâu bệnh hại. Các thuật ngữ sử dụng trong quy trình phải đơn giản, dễ hiểu, nên biên tập thành 02 ngôn ngữ tiếng Việt Nam và tiếng Thái, để người dân địa phương dễ dàng tiếp cận áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Hội đồng nhất trí nghiệm thu quy trình kỹ thuật thâm canh rải vụ cho cây bưởi da xanh và cây xoài GL4 tại Sơn La và yêu cầu nhóm nghiên cứu đề tài tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện công bố quy trình đưa vào ứng dụng thực tiễn trong thời gian tới.

Ánh Nguyệt

1 2 3 4 5  ... 
Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1