Lan tỏa thông điệp Chống rác thải nhựa đến với cộng đồng
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 200.000 tấn/năm, trong đó, khoảng 70% là chất thải khó phân hủy, chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Nếu chất thải nhựa không thu gom, xử lý triệt để, sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với 12 đơn vị hành chính gồm 204 xã, phường, thị trấn, trong đó có 86 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, dân số khoảng 1,3 triệu người, hơn 80% là đồng bào các dân tộc, nguồn phát sinh rác thải trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu từ hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở và khu vực công cộng, dịch vụ công cộng và các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. Ngoài các thành phần chủ yếu là các thành phần hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, vải, bìa các tông, rác vườn...) và vô cơ (nhựa, cao su, kim loại...), chất thải rắn sinh hoạt còn có thể lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải... Bên cạnh đó, trong thành phần chất thải rắn sinh hoạt còn có một phần là chất thải nhựa khó phân hủy, đây cũng đang là thách thức trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, với số liệu ước tính tỷ lệ chất thải nhựa trong các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt khoảng 6 - 8%, cộng với nhận thức của cộng đồng còn nhiều hạn chế nên công tác xử lý chất thải nhựa chưa thực sự được chú trọng theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế.

anh tin bai

Những năm qua, Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, 
kiểm soát việc sử dụng, thu gom, xử lý chất thải nhựa.

Trong những năm gần đây, nhằm quản lý, kiểm soát việc sử dụng, thu gom, xử lý chất thải nhựa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương, quy định, chính sách về quản lý chất thải nhựa, kịp thời cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững như: Kế hoạch thực hiện các phong trào Chống rác thải nhựa; Kế hoạch tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025; Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa ngành thủy sản…Đồng thời, phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”,  thực hiện “nói không với sản phẩm từ nhựa và túi ni lông sử dụng một lần” đến toàn thể các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trên toàn tỉnh; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, không sử dụng ly, cốc, bình nhựa dùng một lần để tiếp khách và trong sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị; tìm kiếm, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hướng tới hình thành thói quen nói không với rác thải nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

 anh tin bai

Chú trọng tạo chuyển biến về tư duy, nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi, thói quen 
sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần của các tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai Dự án "Đánh giá hiện trạng phát sinh, kết quả quản lý và xây dựng kế hoạch quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Sơn La". Kết quả dự án sẽ đánh giá tổng quan về tình hình chất thải nhựa, tiềm năng giảm phát thải nhựa và ảnh hưởng của chất thải nhựa đến môi trường và biến đổi khí hậu. Đây sẽ là cơ sở để hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về công tác quản lý chất thải nhựa, đề xuất được kế hoạch quản lý chất thải nhựa, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế các-bon thấp, tiến tới giảm thiểu chất thải nhựa trên toàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một trong những hạn chế lớn nhất là chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ tái chế còn thấp; phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp… Các chương trình, mô hình phân loại tại một số địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới (như huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn ….) còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa và thiếu các mô hình công nghệ xử lý phù hợp dẫn đến tính khả thi không cao. Cùng với đó, do nhu cầu thiết yếu của cuộc sống cùng ưu điểm từ nhựa bền chắc, tiện dụng và giá thành thấp, sản phẩm làm từ nhựa, túi nilon vẫn được nhiều người dân ưa chuộng là một trong những vật dụng phổ biến trong cuộc sống thường ngày.

Năm 2023 và giai đoạn 5 năm tới, Sơn La sẽ có nhiều cơ hội, thời cơ tăng tốc phát triển nhanh, bền vững, đồng nghĩa sẽ có nhiều thách thức, khó khăn đan xen về sự phát triển của các cơ sở sản xuất, dịch vụ, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, làm gia tăng áp lực phát thải tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Để có những hành động thiết thực chống rác thải nhựa, một trong những giải pháp hiệu quả nhất chính là tạo lối sống xanh - sạch, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nilon khó phân hủy. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, cho hành động “Chống ô nhiễm nhựa” để tạo sự lan toả, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân; triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo quy định của của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa. Thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”; Chỉ thị về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”…; tiếp tục triển khai các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ về môi trường. Thường xuyên phát động ra quân dọn, xử lý rác tại các điểm ô nhiễm rác thải nhựa ở sông, suối; xóa các điểm đen ô nhiễm, thu gom chất thải rắn sinh hoạt, trồng và chăm sóc cây xanh, nạo vét kênh mương tù đọng tại các tuyến đường thuộc các huyện, thành phố trên toàn tỉnh; nhân rộng các mô hình hiệu quả trong tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường. Kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân…

Anh Ngọc - Đinh Nhung  (CTV Sở Tài nguyên và Môi trường)

 

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
1 2 3 4 
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1