Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ về y tế và trợ giúp pháp lý
Thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giai đoạn 2008 - 2020, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ các hộ nghèo với nhiều hình thức. Trong đó, các chính sách hỗ trợ về y tế và trợ giúp pháp lý được đặc biệt chú trọng triển khai đạt nhiều hiệu quả.

 

Trong giai đoạn 2008-2020, đã có khoảng 9.000.000 lượt người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích tham gia bảo hiểm y tế, tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,7%. Cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đã giúp người dân tiếp cận cơ bản các dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 quy định hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sau hơn 08 năm triển khai thực hiện, Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ cho 507.483 lượt bệnh nhân; người nghèo đã có cơ hội được khám, chữa bệnh, hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước; tiếp cận dịch vụ y tế và nâng cao ý thức trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện ngày càng tăng nhanh. Việc ban hành chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người nghèo, hướng tới sự công bằng và bình đẳng trong việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chính sách hỗ trợ việc cung cấp dinh dưỡng cho phụ nữ, trẻ em nghèo ở địa bàn nghèo, các cấp, ngành đã triển khai hoạt động bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai tại các huyện nghèo; duy trì bổ sung viên sắt/axitfolic cho phụ nữ mang thai để phòng chống thiếu máu do thiếu sắt; hàng năm triển khai uống Vitamin A đối với trẻ em từ 6-60 tháng tuổi; uống 1 liều Viatmin A đối với phụ nữ sau sinh 1 tháng, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em, nâng cao thể trạng, thể chất cho các thế hệ tương lai.

Bên cạnh đó, các chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo được quan tâm chỉ đạo triển khai tới cấp cơ sở, chú trọng tới các xã, bản đặc biệt khó khăn, xã, bản vùng sâu vùng xa nhằm tuyên truyền, trợ giúp người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong giai đoạn 2008-2020, các cấp, các ngành đã thực hiện 601 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 747 xã nghèo, 1.890 bản đặc biệt khó khăn với sự tham gia của hơn 155.000 người; cấp phát miễn phí hơn 332.000 tờ gấp pháp luật cho người dân. Công tác tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng được triển khai có hiệu quả; đã cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng 1.154 vụ việc cho 1.289 đối tượng trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình..; Xây dựng 1.119 nội dung chuyên đề pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân phát thanh đến cấp xã, bản. Đã có 1.526 người thực hiện trợ giúp pháp lý được đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật văn bản pháp luật; thiết lập số điện thoại đường dây nóng về trợ giúp pháp lý; khôi phục, xây dựng lại hệ thống tủ sách pháp luật, đưa vào khai thác cho hàng trăm ngàn lượt người mượn nhằm hỗ trợ kiến thức pháp luật cho các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cấp xã.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý, người dân dần nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của nhà nước, vươn lên thoát nghèo.

Như Thủy

 

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1