Nạn buôn bán người tại Việt Nam: Ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi
Thời gian gần đây, số vụ buôn bán người ở nước ta bị lực lượng chức năng triệt phá ngày càng nhiều và đang có chiều hướng gia tăng với nhiều biến tướng. Tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng tinh vi xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và quốc tế.

Từ năm 2005 đến đầu năm 2013, cả nước phát hiện hơn 3.046 vụ với hơn 5.260 đối tượng, lừa bán hơn 6.628 nạn nhân qua Trung Quốc, Campuchia, Lào và một số nước khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan...Nếu như trước đây, nạn buôn bán người diễn ra nhiều xuất phát từ mục đích bóc lột tình dục, thì nay, các nạn nhân bị lừa bán chủ yếu vì nguyên nhân lao động. Theo đó, không chỉ phụ nữ và trẻ em mà đàn ông cũng trở thành đối tượng để bọn tội phạm "săn mồi".

Hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, có rất nhiều ngành nghề sử dụng đối tượng lao động nhập cư để làm những việc như: đánh cá, sản xuất nông nghiệp, khai thác mỏ, xây dựng và giúp việc gia đình, khiến cho số người đi xuất khẩu lao động của nước ta ngày càng tăng. Lợi dụng điều đó, bọn tội phạm đã lừa đảo không ít thanh niên nam nữ dưới 30 tuổi sang nước ngoài làm việc trong tình trạng thường xuyên lạm dụng cả về thể chất lẫn tinh thần, đe dọa đánh đập, bóc lột sức lao động…

Ngoài ra, những năm gần đây, nạn buôn bán người xuất hiện nhiều biến tướng với những trường hợp buôn bán nam giới ép lao động nặng nhọc (ở Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Dương), mua bán nội tạng (ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Ninh Thuận), mua bán trẻ sơ sinh, bán trẻ còn trong bào thai (ở Hà Nội, Quảng Ninh, Sóc Trăng)...; bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em (ở Lai Châu, Hà Giang). Đối tượng phạm tội hầu hết là người trong nước cấu kết với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài hình thành những đường dây khép kín, hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế.

Thủ đoạn của bọn chúng thường sử dụng, đó là: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, sự nhẹ dạ cả tin của một số phụ nữ, trẻ em là người dân tộc thiểu số như: Giả vờ hứa hẹn yêu đương tìm cách rủ đi chơi; hứa hẹn đi sang Trung Quốc làm ăn với thu nhập cao; hay dụ dỗ đưa sang Trung Quốc lấy chồng giàu có…; Cách thức tiếp cận các bị hại rất đa dạng như: gặp trực tiếp rủ rê, thông qua bạn bè, sử dụng mạng Internet… để làm quen, sau đó bọn chúng lừa, đưa phụ nữ và trẻ em sang Trung Quốc để bán cho những người đàn ông Trung Quốc mua làm vợ hoặc bán cho các chủ chứa bắt làm gái mại dâm…

Để không trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, mọi người mọi nhà cần đề cao cảnh giác với những lời mời mọc, rủ rê như: vẽ ra viễn cảnh tương lai tươi sáng, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp mà không đòi hỏi yêu cầu trao đổi; dè chừng với những đối tượng không rõ lai lịch, xác minh. Với những gia đình có con em là phụ nữ, cần giáo dục các em tránh xa điều xấu xa, hướng các em theo lối sống lành mạnh, từ bỏ lối suy nghĩ: muốn giàu có phải bỏ quê đi làm ăn xa hay cưới chồng ngoại quốc…

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, các sở, ban ngành cần tích cực tổ chức các đợt tuyên truyền người dân nhận thức những phương thức thủ đoạn và hậu quả nặng nề từ nạn buôn bán người, vận động mọi người chủ động tố giác những đối tượng không lai lịch có hành vi không minh bách để lực lượng chức năng làm tốt nhiệm vụ kiểm soát, truy bắt tội phạm.

Những hệ lụy do nạn buôn bán người gây ra cực kì nghiêm trọng và nặng nề. Nạn nhân của nạn buôn bán người phải hứng chịu nhiều đau đớn về tinh thần và cả thể xác, một xã hội với nhiều người bị lừa bán luôn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đe dọa đến vấn đề an toàn, an ninh, trật tự xã hội. Vì thế, hiểu và cảnh giác với tội phạm buôn bán người là phương thức "thông minh" nhất để tránh và loại trừ tệ nạn này ra khỏi xã hội, đảm bảo sự bình yên cho mọi người.

Quốc Tuấn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
1 2 3 4 5  ... 
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1