Quy định chi tiết một số điều của luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ngày 08/9/2014, Chính phủ ban hành nghị định số 84/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghị định trên gồm 3 Chương, 32 Điều, quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về công khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý thông tin phát hiện lãng phí và biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí; thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định và sử dụng nguồn tiền thưởng từ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đối tượng áp dụng của Nghị định là cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Nghị định quy định việc công khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện theo nguyên tắc: Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin phải công khai và phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin công khai; cập nhật thường xuyên các thông tin đã công khai; tuân thủ đầy đủ các quy định về nội dung, thời hạn và hình thức công khai. Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, phạm vi ảnh hưởng của lĩnh vực, địa bàn hoạt động, việc công khai Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả thực hành tiết kiệm; hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí thực hiện theo một trong các hình thức sau: Công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức; đưa lên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử (nếu có); thông báo trên các ấn phẩm báo chí của cơ quan, tổ chức hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

Về trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Nghị định cũng quy định: khi nhận được thông tin phát hiện lãng phí thuộc thẩm quyền giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi nhận được thông tin có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin, hành vi lãng phí và thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra (nếu có). Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí phải chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xác minh, xử lý.

Căn cứ kết quả xác minh, trường hợp có lãng phí xảy ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi để xảy ra lãng phí có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, khắc phục; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và thông báo công khai kết quả xử lý hành vi lãng phí; thực hiện giải trình trước cơ quan chức năng về việc để xảy ra lãng phí.

Thời hạn xử lý không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí; trường hợp cần thiết có thể gia hạn xử lý thông tin một lần nhưng không quá 30 ngày, đối với nội dung phức tạp thì không quá 60 ngày.

Cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp khi nhận được thông tin phát hiện lãng phí có trách nhiệm yêu cầu, chỉ đạo người đứng đầu cơ quan, tổ chức có phát hiện để xảy ra lãng phí tổ chức kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin phát hiện lãng phí; áp dụng biện pháp ngăn chặn, khắc phục hành vi lãng phí, xử lý hành vi lãng phí và báo cáo kết quả xử lý (nếu có); giải trình về việc để xảy ra lãng phí tại cơ quan, tổ chức; Bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi lãng phí.

Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014. Bãi bỏ Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bãi bỏ các quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật tại Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

Quốc Tuấn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1