Tỉnh Sơn La phấn đầu thành lập mới 85 Hợp tác xã trong năm 2023
Thời gian qua, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến, từng bước phát triển ổn định. Với những tác động tích cực từ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng và đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Các hợp tác xã đã chuyển đổi hoạt động theo đúng Luật hợp tác xã  năm 2012.

Trong năm 2023, tỉnh Sơn La phấn đấu thành lập mới 85 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh lên 900 hợp tác xã với khoảng 40.000 thành viên; doanh thu bình quân một hợp tác xã  đạt 3.000 triệu đồng; lãi bình quân một hợp tác xã  đạt 300 triệu đồng; thu hút được khoảng 11.000 lao động thường xuyên; thu nhập người lao động đạt 60 triệu đồng/năm. Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt khoảng 3.368 người. Trong đó, số lượng cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo trình độ cao đẳng, đại học trở lên khoảng 700 người. Phấn đấu có khoảng 350 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; 150 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Năm 2023 phấn đấu thành lập mới 01 liên hiệp hợp tác xã nâng tổng số liên hiệp hợp tác xã của tỉnh lên 07 liên hiệp hợp tác xã với tổng số 55 hợp tác xã thành viên, thu hút được khoảng 800 lao động trong các liên hiệp hợp tác xã, doanh thu bình quân một liên hiệp hợp tác xã  đạt 5.000 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân một liên hiệp hợp tác xã đạt 500 triệu đồng/năm.

Để thực hiện được những mục tiêu đó tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các tổ chức kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; tránh tình trạng nhận thức không thống nhất, không đầy đủ về kinh tế tập thể; xác định rõ đổi mới, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Xây dựng, đổi mới mới về nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể trên Báo Sơn La, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh và trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các cơ quan đơn vị, địa phương phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú.

Tổ chức tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng, tổng kết, kịp thời phổ biến các mô hình thí điểm, các điển hình tiên tiến, các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò của kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng khoa học công nghệ cao và chuyển đổi số. Cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể trong ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; xây dựng và phát triển thương hiệu; tiếp cận, khảo sát thị trường; tham gia Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Xây dựng chương trình đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu năng lực phục vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, hoàn thành ứng dụng, sử dụng việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc, thủ tục hành chính của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến xã trên môi trường điện tử, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế tập thể phát triển.

Như Thuỷ

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1