Hội nghị trực tuyến phát triển kinh tế khu vực biên giới
Ngày 16/8/2021, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến về phát triển kinh tế khu vực biên giới. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. Đồng Chí Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4.924 km tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia đi qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam (435 xã, phường, thị trấn biên giới thuộc 103 huyện, thị xã, thành phố biên giới của Việt Nam), 2 tỉnh/khu tự trị của Trung Quốc, 10 tỉnh của Lào và 10 tỉnh của Campuchia. Tuyến biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia được đánh giá là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương biên giới của Việt Nam với các địa phương biên giới của nước láng giềng; giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới và các nước trong khu vực.

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của Việt Nam và các tỉnh biên giới chậm lại. Tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất trên thế giới cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, tất cả các địa phương biên giới tăng trưởng dương, hầu hết các địa phương tăng vượt mức bình quân của cả nước. Có 20 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (5,64%), trong đó có 4 tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc, 9 tỉnh có biên giới giáp với Lào, 7 tỉnh có biên giới giáp với Campuchia…

Hoạt động sản xuất công nghiệp tại các tỉnh biên giới và các khu vực biên giới tiếp tục phục hồi và phát triển. Năm 2020, có 17/25 tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (3,4%). 6 tháng đầu năm 2021, 13/25 tỉnh khu vực biên giới có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (9,3%).

Đối với tỉnh Sơn La, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song tỉnh đã triển khai quyết liệt hiệu quả “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 10,67%; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.682,307 tỷ đồng; giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu đạt 72,1 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 79.200 ha cây ăn quả, sản lượng quả 6 tháng đầu năm ước đạt 141.050 tấn, 10 nhà máy chế biến nông sản đã đi vào hoạt động. Là tỉnh có đường biên giới quốc gia dài trên 274 km với các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Phông Xa Lỳ của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Với 06 huyện biên giới, 17 xã giáp biên; có 01 cửa khẩu Quốc tế, 01 Cửa khẩu Quốc gia, 02 cửa khẩu phụ và 07 đường mòn, lối mở. Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 nhìn chung tình hình an ninh trật tự vùng biên giới giữa Sơn La và các tỉnh nước CHDCND Lào tương đối ổn định, cư dân biên giới cơ bản chấp hành tốt các quy định của Hiệp định về quy chế quản lý biên giới. 6 tháng đầu năm 2021, giá trị hàng hoá xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới ước đạt trên 274.000 USD; giá trị hàng hoá nhập khẩu trên 1.335.000 USD. Hiện, tỉnh đang phối hợp với tỉnh Hủa Phăn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tổ chức khai trương hoạt động của cặp cửa khẩu Quốc tế Lóng Sập – Pa Háng.

Tại hội nghị, đại diện các Bộ ngành liên quan và các tỉnh có biên giới cùng thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế các khu vực biên giới. Tập trung vào một số giải pháp về cơ chế, chính sách tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư; Kết cấu hạ tầng; Tận dụng tốt quan hệ qua biên giới để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu… 

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế khu vực biên giới trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp. Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các tỉnh biên giới cần rà soát các nội dung về đầu tư phát triển khu vực biên giới, quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp và thương mại trên địa bàn; chủ động nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng hoặc thu hút đầu tư vào khu vực biên giới. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư các dự án đường bộ nối khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới với trung tâm vùng, các cảng biển; kiểm soát chặt chẽ thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển... Các Bộ cần phối hợp với các tỉnh rà soát, hoàn thiện thủ tục mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu đáp ứng nhu cầu giao thương của Nhân dân, doanh nghiệp; thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn đầu tư vào khu vực biên giới; tận dụng tốt quan hệ qua biên giới để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu; nâng cao năng lực thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại./.

Lê Hồng

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1