Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2018) và Kỷ niệm 8 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010 – 20/10/2018)
Lịch sử ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930)

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…

"… Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc cứu nước cho đến ngày nay, mỗi khi nước nhà có nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy thế hệ anh hùng của nước ta…

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch uỷ ban hành chính, bí thư chi bộ….

Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam thật là anh hùng…"

(Trích bài nói chuyện của Hồ Chủ Tịch nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10/1966).

Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: "Nam nữ bình quyền". Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng Công hội, Nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Án nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị về Phụ nữ vận động, trong đó nhấn mạnh: "muốn thâu phục cho được hết thảy các phần tử phụ nữ thì ngoài sự cộng tác trong phụ nữ công nông ra, Đảng lại còn phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ "Phụ nữ hiệp hội", mục đích là để mưu quyền lợi cho phụ nữ, làm cho phụ nữ được triệt để giải phóng". Vì thế, ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế ra đời.

Ngày 16/6/1941, ra đời Đoàn Phụ nữ cứu quốc. Tiếp đến là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1946) với Đoàn Phụ nữ cứu quốc làm nòng cốt. Tháng 4/1950, hợp nhất Đoàn Phụ nữ cứu quốc vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngày 8/3/1961, thành lập Hội Phụ nữ giải phóng ở miền Nam và tháng 6/1976 thì hợp nhất vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Dù tên gọi thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng những cống hiến xuất sắc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tầng lớp phụ nữ mãi xứng với tám chữ vàng Bác Hồ trao tặng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" và các huân chương, huy chương cao quý của Đảng, Nhà nước.

Lịch sử ra đời của ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010)

Ngày 15/10/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo số 382-TB/TW nêu rõ: Công nhận ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 để thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ và tổ chức phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Hằng năm, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân có hình thức kỷ niệm phù hợp để phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" mà Bác Hồ đã tặng.

Ban Biên tập

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1