Hội nghị trực tuyến "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập"
Ngày 23/9/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập".

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Đặng Ngọc Hâu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với sự tận tâm, tinh thần sáng tạo và nỗ lực bền bỉ của đội ngũ cán bộ KH&CN, cùng sự hợp tác ngày một sâu rộng của các doanh nghiệp, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta đã tạo ra nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò quan trọng trong đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua đạt 45%, vượt yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra là mức 30-35%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,88%/năm, cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011-2015 là 4,24%/năm, đưa Việt Nam trở thành nước có tăng trưởng năng suất lao động cao nhất trong khối ASEAN và cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao ở Châu Á. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta liên tục được cải thiện, hiện đứng ở vị trí thứ 42/131 quốc gia/nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến được tạo ra, tiếp thu, làm chủ và áp dụng trong các doanh nghiệp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia hiệu quả các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội nghị kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại Sơn La, Phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả; tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển; đến nay, toàn tỉnh đã có 84.800 ha cây ăn quả các loại như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn..., với sản lượng trên 450.000 tấn/năm; đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 241 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.860 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; hơn 5.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; đã có 83 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như: Big C, Winmart, Hapro Mart; tiêu thụ trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử; đã có 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE… ng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đưa giống cây ăn quả mới cho năng suất, chất lượng cao; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Dẫn đến xuất hiện nhiều mô hình sản xuất quả cho thu nhập cao.

Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường khoa học, công nghệ ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường khoa học, công nghệ; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau. Đặc biệt, các đại biểu cũng tìm nguyên nhân của thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào nhưng hàng hóa khoa học, công nghệ vẫn rất hạn chế; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa khoa học, công nghệ.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, trong đó, hoàn thiện thị trường khoa học công nghệ là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Để phát triển thị trường khoa học công nghệ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Thủ tướng cũng đề nghị quan tâm, phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng quốc gia cho thị trường khoa học công nghệ; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó tập trung vào thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Xây dựng các chính sách để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp phụ trợ trong nước.

Diệp Hương

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1