Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022
Ngày 30/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Dự ở điểm cầu Trung ương, tỉnh Sơn La có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới gần 4.000 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố cả nước, với gần 80.000 đại biểu dự tại các điểm cầu.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Tại điểm cầu tỉnh Sơn La có các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh: Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

10 năm qua, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà trực tiếp, thường xuyên là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, trở thành "xu thế không thể đảo ngược”, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Kết quả 10 năm, cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên; các cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi được gần 60.940 tỷ đồng/175.608 tỷ đồng tổng số phải thi hành về tiền tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, đạt tỷ lệ 34,7%.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ khó, phức tạp, lâu dài; cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn. Các cấp, các ngành, các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt, hiệu quả hơn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp, tập trung mọi nguồn lực, kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, tổ chức Đảng và mọi cán bộ, đảng viên phải coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.../.

Quốc Tuấn

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1