Đẩy mạnh đào tạo nghề nông thôn
Thời gian qua, huyện Mộc Châu đã đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn.

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu cầu. Chú trọng thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm, giúp lao động nông thôn có nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập.

Nhờ bám sát vào nhu cầu thực tế của người dân và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành đoàn thể nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mộc Châu đã có những kết quả tích cực. Từ năm 2016 đến nay, huyện Mộc Châu đã tổ chức 23 lớp đào tạo nghề với gần 800 học viên; tổ chức gần 500 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất và điều kiện canh tác của từng địa phương cho hơn 15.200 lượt người. Chất lượng các lớp dạy nghề ngày càng nâng cao, sau học tập có trên 75% lao động áp dụng những kiến thức được học vào lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề được quan tâm. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Tổ chức 31 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm với sự tham gia của 4.700 lượt lao động nông thôn; tổ chức 3 ngày hội việc làm thu hút 49 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và trên 3.700 lượt người lao động, đoàn viên thanh niên và học sinh các trường THPT trên địa bàn tham gia. Từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm, từ năm 2016 đến nay, huyện còn giải ngân hơn 23 tỷ đồng để các học viên sau học nghề có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo; đẩy mạnh công tác xúc tiến việc làm, chú trọng dạy nghề theo địa chỉ, theo hợp đồng và theo nhu cầu cần tuyển dụng của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề cao hơn mức trung bình của cả tỉnh.

Như Thủy

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1