Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2022 tăng 0,63% so với tháng trước
Theo báo cáo của Cục Thống kê Sơn La, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2022 tăng 0,63% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,45%; khu vực nông thôn tăng 0,70%), trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 6 nhóm hàng tăng giá, 1 nhóm hàng giảm giá và 4 nhóm hàng có giá ổn định.

Cụ thể: So với tháng trước, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, tăng 3,74% do giá nhiên liệu thế giới tăng nên trong nước giá xăng điều chỉnh tăng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,47% chủ yếu nguyên liệu đầu vào và do ảnh hưởng của giá cước vận tải tăng; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21% và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11% do ảnh hưởng tăng giá chung của thị trường; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ 0,03% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03% do nhu cầu tiêu dùng một số đồ dùng phục vụ gia đình, cá nhân tăng.

Riêng nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,47% chủ yếu do giá gas trong nước được điều chỉnh giảm và nhu cầu tiêu dùng điện sinh hoạt, nước sinh hoạt giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 so với bình quân cùng kỳ tăng 2,16%. Trong 11 nhóm hàng chính, có 9 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tăng so với cùng kỳ lần lượt là: Nhóm giao thông tăng cao nhất, tăng 16,71%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,09%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,66%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,33%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,29%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,77%; nhóm giáo dục tăng 1,11 %; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,55%; nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá giảm 2,59%. Nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá ổn định.

Một số nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI 6 tháng đầu năm 2022: Giá xăng, dầu trong nước điều chỉnh tăng 13 lần và giảm 3 lần trong 6 tháng đầu năm 2022 do dịch Covid-19 trên thế giới đã dần được kiểm soát, kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng, ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga-U-crai-na và các lệnh cấm vận đối với Nga làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 51,02%, kéo theo giá cước vận tải tăng làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông khiến giá các mặt hàng đồ uống và thuốc lá tăng. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động sản xuất và dịch vụ cơ bản đã bình thường trở lại nhu cầu sử dụng một số dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng nên giá tăng như: dịch vụ hiếu hỉ tăng 4,47%; dịch vụ phục vụ cá nhân (cắt tóc, gội đầu) tăng 1,37%; dịch vụ du lịch trọn gói tăng 1,43%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,70%...

Như Thuỷ

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1