Tháp Mường Và nét đẹp văn hóa của dân tộc Lào huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
Tháp Mường Và nằm trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Sơn La, là một công trình kiến trúc linh thiêng và cổ kính được nhân dân bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp tôn sùng và bảo vệ từ bao đời nay. Tháp được xây dựng trên một quả đồi nhân tạo, ngay trung tâm bản Mường Và, xã Mường Và, cách trung tâm huyện Sốp Cộp khoảng 7,5km về phía Đông Nam. Mường Và (theo tiếng địa phương) có nghĩa là miền đất đông người tập trung sinh sống, đất đai mầu mỡ phì nhiêu, có cánh đồng bằng phẳng thẳng cánh cò bay và phong cảnh đẹp, cư dân bản Mường Và phần lớn là người Lào.

Theo truyền thuyết kể lại thì cách đây khoảng 400 năm (vào Thế kỷ 17) có một thầy địa lý người Hoa đi qua vùng đất này thấy có cảnh đẹp, về địa lý thuận lợi, đằng sau Bản Mường Và là dãy núi chạy dài, đằng trước là một cách đồng rộng lớn, có con suối chảy qua. Dựa theo thuyết phong thuỷ thì đây là một vùng đất đẹp và ổn định. Ông thầy địa lý đã bàn với Chẩu Hua (Người đứng đầu trong vùng) để xây dựng chùa và tháp, ngôi chùa hiện nay không còn.

Chẩu Hua đã huy động lực lượng nhân dân trong vùng khởi công đắp quả đồi ngay tại trung tâm bản. Đất đắp đồi được lấy từ hai bên cạnh và đằng sau Tháp (hiện nay xung quang tháp còn dấu tích 3 chiếc hồ lớn). Sau khi đắp đồi xong, Chẩu Hua cho xây Tháp và dựng chùa, đây là nơi sinh hoạt không thể thiếu của cộng đồng, nơi để người dân đến lễ phật, nghe kinh, nơi tập hợp toàn dân vào những ngày lễ hội và bàn bạc đến những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng.

Tháp Mường Và thuộc loại Di tích kiến trúc Nghệ thuật. Tháp được xây dựng trên ngọn đồi cao 15m so với mặt bằng xung quanh, xây theo hình bút tháp cao 13 mét, đứng từ xa ta nhìn thấy tháp vút cao lên nền trời xanh với những đường nét sắc sảo, thanh lịch, tạo thế hiên ngang và uy nghi của công trình.

Tòa tháp được chia thành 5 tầng, xây bằng gạch vồ có chiều dài là 35cm, rộng 15cm, dầy 6cm, là loại gạch mầu đỏ được gắn với nhau bằng vôi, cát và mật, tháp được xây đặc.

- Tầng 1: Chân tháp được xây theo hình thể vuông choãi có chiều rộng là 2,85m, thót vát lên 0,50m tạo chân của tầng, có chiều cao là 3,5m phía trên được phình ra như như một đài hoa để đỡ cho tầng 2, tầng 1 không trang trí hoa văn. Mặt thân được trang trí hình lõm (nhìn mặt cắt như hình bán nguyệt) ở giữa mặt thân được trang trí một rãnh sâu là 10cm, rộng 20cm, 2 mép rãnh này được đắp nổi gờ ra khỏi thân tháp là 5cm (Tầng 1 đã được đổ bê tông tường bao và lát đá để đảm bảo công trình).

- Tầng 2: Có chiều cao 2,60mét, xây theo hình vuông, mặt cạnh của tháp được trang trí theo hình bán nguyệt, chính giữa được trang trí 1 đường lõm, đường gờ 2 bên đường lõm được trang trí gờ nổi ra khỏi thân là 5cm. Cạnh tháp có nhiều đường gờ nổi, chờm ra khỏi thân, chân của tầng 2 được trang trí hai đường hoa văn: Đường hoa văn thứ nhất (nơi tiếp giáp với tầng 1) được trang trí lá đề cách điệu (lá được dựng đứng lên) chạy xung quanh tháp.

Đường hoa văn thứ 2 (nơi tiếp giáp với tầng 3) được trang trí hình voi đi lên núi, chạy xung quanh tháp. Phía trên của tầng hai được trang trí hoa văn dây xoắn điểm xuyết hoa cúc. Hình hoa văn trang trí thoáng, đường nét mạnh mẽ.

- Tầng 3: Được xây theo hình một chiếc lọ, dưới to, trên bé hình vuông, ở giữa được trang trí hình rãnh lõm chạy từ trên xuống, mặt được trang trí hình bán nguyệt, có chiều dài 3,30m, thân tháp không trang trí hoa văn. Phía trên của tầng 3 (nơi tiếp giáp với tầng 4) được trang trí 2 đường hoa văn nổi hình dấu ~ nối tiếp nhau chay quanh tháp.

- Tầng 4: Được trang trí thon nhỏ dần có chiều cao là 2m. Đế của tầng 4 (là nơi tiếp giáp với tầng 3) ở 4 cạnh được trang trí 4 vòi voi ngoắc ngược, đứng từ xa, ta cảm nhận như 4 khuyên tai của người đeo.

- Tầng 5: Được trang trí nổi lên như một búp sen có chiều cao là 1,60m không trang trí hoa văn.

Nét độc đáo của tháp, ngoài hình khối còn phải kể đến nguyên liệu xây dựng tháp. Tháp được xây bằng gạch vồ, liên kết các viên gạch là vôi, cát. Tháp xây đặc toàn bộ, không có cửa, phân chia 4 mặt khá đều nhau, mỗi mặt quay một hướng.

Tháp được công nhận Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 95/1998/QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 01 năm 1998 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Năm 1965 máy bay Mỹ bắn phá đã phá đứt mất 0,60m đỉnh tháp. Động đất năm 1983 làm cho tháp bị nứt dọc, vôi vữa trát xung quanh bị bong lở nhiều, phần chân tháp bị bong lở hoàn toàn. Nhiều hoa văn quanh tháp và các điểm quan trọng bị mất. Tháp được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh Sơn La trùng tu lần thứ nhất vào năm 2000, trùng tu lần thứ 2 năm 2012; năm 2013 xây dựng Nhà quản lý tháp như hiện nay.

Di tích tháp Mường Và có giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật và mang đặc tính về văn hoá Phật giáo dòng Tiểu thừa tại Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng. Là một công trình kiến trúc cổ, có lối kiến trúc gần với tháp Mường Luân (Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Niên đại của Tháp Mường Và vẫn còn chưa được xác định rõ ràng bởi không có văn bia ghi lại. Để tôn tạo lại một di sản, lần trùng tu thứ 2 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã cố gắng giữ gìn nguyên gốc cho di tích.

Vào các dịp Lễ hội "Xên Mường" và "Khảu hó" của dân tộc Lào hàng năm, nhân dân trong vùng nô nức đến tham quan Tháp, tham dự các lễ hội và là điểm đến nằm trong tuyến du lịch của tỉnh, tạo điều kiện cho địa phương thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Với những giá trị về Kiến trúc - Nghệ thuật, Tháp Mường Và là một biểu tượng văn hóa đặc sắc của huyện Sốp Cộp./.

Trần Hải Âu (CTV)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1